Đường vành đai 4 Hà Nội: Động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng
Thi công san lấp mặt bằng xây dựng cầu Xuân Cẩm- Bắc Phú (Hiệp Hòa). |
Dự án nghìn tỷ
Nhằm phát triển mạng lưới giao thông đường bộ; tăng cường tính kết nối các khu, cụm công nghiệp và khu đô thị trong vùng Thủ đô Hà Nội, từ năm 2010, Chính phủ chỉ đạo triển khai Dự án đường vành đai 4 Hà Nội. Theo thiết kế, tuyến đường dài 136,6 km, đi qua 17 huyện gồm: Phúc Yên (Vĩnh Phúc); Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn (Hà Nội); Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm (Hưng Yên); Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành (Bắc Ninh) và Việt Yên, Hiệp Hòa (Bắc Giang). Đường vành đai 4 sẽ vượt các sông Hồng, sông Đuống và sông Cầu.
Dự án đường vành đai 4 thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang gồm 1 tuyến chính dài 20,877 km và ba tuyến nhánh với tổng chiều dài 14,682 km. Trong đó tuyến chính có điểm đầu giao với đường gom quốc lộ 1 tại km 129+200 thuộc thị trấn Nếnh (Việt Yên), điểm cuối tại mố cầu Xuân Cẩm- Bắc Phú thuộc xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội); ba tuyến nhánh được nối từ tuyến chính vào khu vực chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn (Việt Yên) và quốc lộ 37 thuộc khu vực xã Đông Lỗ, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa). Quy mô xây dựng tuyến chính, tuyến nhánh 2 và 3 được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với 4 làn xe (riêng tuyến nhánh 1 vào chùa Bổ Đà thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố khu vực).
Trên tuyến chính sẽ xây dựng cầu vượt đường sắt tại Km1+110,295 thuộc địa phận huyện Việt Yên và cầu Xuân Cẩm- Bắc Phú vượt sông Cầu tại Km20+658 thuộc địa phận huyện Hiệp Hòa và Sóc Sơn (Hà Nội). Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 1.230 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh; thời gian hoàn thành trong năm 2020.
Có thể nói, đây là một trong những tuyến đường quan trọng của TP Hà Nội và các tỉnh lân cận, khi hình thành không chỉ tạo thuận lợi về giao thương giữa các vùng trọng điểm của Thủ đô mà còn có vai trò kết nối giữa nhiều khu đô thị lớn, như: Khu đô thị Quế Võ (Bắc Ninh); Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên); Khu đô thị Nam An Khánh- Bắc An Khánh, Khu đô thị sinh thái The Phoenix Garden hay Khu đô thị Vincity (Hà Nội). Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh, đường vành đai 4 có ý nghĩa lớn, trước hết về mặt giao thông sẽ kết nối với đường cao tốc Hà Nội- Lạng Sơn, các đường tỉnh 295B, 298B, 295, gắn với nút giao Bắc Phú vào đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên, từ đây kết nối trực tiếp với đường dẫn về sân bay Nội Bài.
Khi tuyến đường hình thành, người dân trong tỉnh ra sân bay Nội Bài bằng hướng này, rút ngắn thời gian di chuyển so với hướng cũ. Dọc tuyến chính đường vành đai 4 qua địa phận tỉnh còn có các đường nhánh nối với khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, Cụm công nghiệp Việt Tiến (Việt Yên) và trung tâm thị trấn Thắng. Do tuyến chính đường vành đai 4 chạy song song với quốc lộ 37 và sông Cầu nên giảm tải lưu lượng giao thông trên quốc lộ 37, tạo cơ hội phát triển các cầu cảng trên sông, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa từ các tỉnh Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Giang đến khu vực Tây- Bắc Hà Nội. Mặt khác, tuyến đường còn giúp hình thành "con đường tâm linh" kết nối giữa các điểm di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh trên địa bàn tỉnh như chùa Bổ Đà, Khu ATK Hiệp Hòa, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, chùa Vĩnh Nghiêm, Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử...
Đồng thuận cao
Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Dự án trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, cán bộ, người dân nơi có tuyến đường chạy qua rất phấn khởi, mong muốn công trình sớm hoàn thành. Ông Đỗ Danh Nhuận, Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn (Việt Yên) nói: “Nhìn chung người dân trên địa bàn đều ủng hộ cao việc thi công tuyến đường. Xã có khoảng 10ha đất canh tác, đất thổ cư trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB) thì nay đã được người dân nhận tiền đền bù, hoàn tất thủ tục bàn giao cho cơ quan chức năng”.
Không chỉ xã Tiên Sơn, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có tuyến đường đi qua đã và đang tập trung công tác đền bù GPMB, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Ông Ngô Thành Duy, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh nói: "Để thực hiện dự án, có hơn 4.100 hộ dân bị ảnh hưởng thuộc diện đền bù GPMB. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ bản người dân đều đồng thuận, trong đó đã có khoảng 50% hộ dân nhận tiền bồi thường GPMB".
Có lẽ, phần khó nhất khi thi công tuyến đường vành đai 4 qua địa phận tỉnh là xây dựng cây cầu bắc qua sông Cầu. Vì thế, cuối tháng 3 vừa qua, cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú đã được khởi công trước. Hiện, các kỹ sư, công nhân đang tập trung thi công, san lấp mặt bằng đường dẫn lên cầu, dự kiến tháng 9-2019 sẽ hoàn thành.
Xây dựng đường vành đai 4 qua địa phận Bắc Giang được tỉnh xác định là công trình trọng điểm, mọi công việc đang khẩn trương thực hiện với quyết tâm cao nhất. Hy vọng trong thời gian không xa, khi tuyến đường hoàn thành sẽ tạo ra bộ mặt mới cho cả vùng, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)