Đổi đời từ trồng nấm
Cơ sở sản xuất nấm của anh Đồng Văn Hiệp giải quyết việc làm cho hơn chục lao động địa phương. |
Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh chị em, như bao chàng trai nông thôn khác, đầu năm 2003, Hiệp quyết định ly hương mong thoát khỏi cảnh khó khăn. Hai lần vào miền Nam với hàng nghìn ngày làm thuê trên đất khách, anh từng theo đủ nghề, từ phu hồ, bảo vệ, bốc vác, xe ôm đến làm cao su, trồng cà phê... Vất vả là thế vậy mà chưa khi nào anh kiếm đủ tiền để về thăm quê. Một ngã rẽ làm thay đổi cuộc đời anh là khi gặp và nên duyên với người con gái cùng quê Bắc Giang. Cảm thông, chia sẻ, năm 2005 hai người quyết định hồi hương song cuộc sống gia đình ở quê không như dự định do thiếu đất sản xuất, cái nghèo vẫn đeo bám.
Ra ở riêng năm 2007, anh xin bố mẹ vào khu đất trống chưa có người ở cách nhà vài cây số. Tại khu đất mới, anh mua cay xây một căn nhà nhỏ, bản thân tiếp tục đi làm thuê, làm mướn kể cả bốc vác, chạy chợ cốt kiếm đủ cái ăn cho cả nhà. Cuối năm 2009, anh quay sang mở lò gạch, vừa tự làm vừa thuê thợ. Do chưa có kỹ thuật, gạch nung lúc sống, khi chín khiến anh lao đao. Năm 2012, Nhà nước có chủ trương đóng cửa lò gạch thủ công, một lần nữa Hiệp trắng tay. Không chỉ hết kế sinh nhai, anh còn gánh một khoản nợ gần 400 triệu đồng. Không chịu cảnh nghèo và trước áp lực trả nợ, anh xoay sang đào ao thả cá, chăn nuôi gà, vịt, lợn, trồng vải thiều, chanh đào mỗi thứ một ít. Đàn lợn, gia cầm có lúc đến cả nghìn con nhưng do nuôi theo kiểu phong trào, thiếu kiến thức, kỹ thuật nên hiệu quả thấp, tiêu thụ bấp bênh nên dần dần lại “cụt vốn”.
Đúng khi đang bế tắc nhất, như một cơ duyên, tháng 4-2013, xã mở lớp học nghề trồng nấm. Thấy dễ làm, phù hợp với điều kiện gia đình nên anh đăng ký tham gia. Để nắm được kỹ thuật, anh dành thời gian tìm hiểu nhiều mô hình trồng nấm ở thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục rồi xuống Hà Nội, lên tỉnh Hòa Bình để học. Anh còn có mặt ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, sang Trung Quốc để tìm hiểu thị trường.
Hợp tác xã không chỉ là nơi sản xuất nấm chất lượng cao mà còn là cầu nối giúp nông dân trong vùng tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ, địa chỉ khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn. |
Làm chủ được kỹ thuật nên ngay vụ đầu với 300 m2 lán trồng nấm, trừ chi phí anh lãi hơn 100 triệu đồng. Được đà, anh tiếp tục mở rộng dần diện tích lên 1,5 nghìn m2. Thành công nối tiếp, năm 2015 quy mô trang trại nấm của anh lên hơn 3 nghìn m2, số lãi thu về vượt trên nửa tỷ đồng. Năm ngoái, nấm trúng lớn, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng.
Để tiếp tục phát triển nghề trồng nấm, đầu năm nay anh quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Vượng với 22 xã viên do anh làm giám đốc. Hợp tác xã đầu tư một cơ ngơi khang trang có đầy đủ trang thiết bị sản xuất từ trộn nguyên liệu, lắp đặt nồi hơi, lò hấp thanh trùng nguyên liệu, băng tải, giàn phun tưới tự động... Từ hơn 300 m2 nhà lán khi khởi nghiệp, sau 4 năm cơ sở sản xuất nấm của anh có quy mô 7 nghìn m2, trong đó 5 nghìn m2 nhà kiên cố, lớn nhất trên địa bàn huyện, tạo việc làm cho hàng chục lao động.
Hiện nay, cái tên “Hiệp nấm” đã khá nổi tiếng, được thương lái ở nhiều nơi tin tưởng đặt hàng. Mô hình của anh được lãnh đạo huyện quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí phát triển. Không chỉ vậy, đây còn là “điểm đến” cho những người có đam mê nghề nấm chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác đầu tư trong quá trình khởi nghiệp.
Cùng với đầu tư hệ thống 4 nhà lán sản xuất các loại nấm phổ thông như nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ, anh còn xây dựng xưởng sản xuất nấm công nghệ cao cho ra nhiều sản phẩm nấm sạch, cao cấp, đủ điều kiện đưa vào các siêu thị, tạo dựng thương hiệu tiến tới xuất khẩu. Anh quan niệm, hợp tác xã không chỉ là nơi sản xuất nấm chất lượng cao mà còn là cầu nối giúp nông dân trong vùng tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ, địa chỉ khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn.
Việt Hưng
Ý kiến bạn đọc (0)