Độc đáo chạm khắc trên Quán tẩy ở đình cổ
Đình làng Vai, thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa). |
Quán tẩy theo tiếng Hán Nôm có nghĩa là cái giá để đựng chậu nước cho các viên chủ tế, bồi tế, chấp sự rửa tay trước khi hành tế. Đây là một trong những đồ vật không thể thiếu trong các buổi tế lễ ở đình làng xưa. Cây Quán tẩy ở một số di tích như ở đình Trừng Hà, Bo Giàu (Lạng Giang), đình làng Vai (Hiệp Hòa), đình Âm Dương (Yên Dũng), đình Mật Ninh (Việt Yên)… đều là những tác phẩm chạm khắc gỗ rất tinh xảo.
Quán tẩy là một tác phẩm chạm khắc gỗ hoàn hảo. Toàn bộ cây cân đối hài hòa trong cách tạo tác, chạm khắc hình tượng hoa văn lộ rõ vẻ khỏe khoắn, tinh xảo của người thợ gửi gắm giá trị nghệ thuật văn hóa dân gian thông qua công năng sử dụng của sản phẩm mà vẫn toát lên vẻ đẹp thuần khiết và ý nghĩa nhân văn. |
Nghiên cứu cây Quán tẩy ở đình làng Vai, thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) cho thấy, cây cao khoảng 1,1m, được chế tác trên khúc gỗ tròn sơn son, chạm lộng hình “Long hóa trúc” - đề tài điển hình của nghệ thuật chạm khắc thời Lê- Nguyễn. Mô típ trang trí chủ đạo là hình rồng, phượng. Trên ngọn cây trúc (đỉnh của cây Quán tẩy) là hình con chim phượng ở tư thế đậu lắt lẻo, hai cánh chụm trên lưng, đầu và mỏ nghển cao, đuôi chụm lại áp chặt vào thân trúc. Có lẽ ngay từ buổi đầu trong tạo hình, con chim phượng đã mang tính chất linh thiêng, thông qua đó người xưa muốn cầu mong có người tài giúp nước hoặc cầu mong chính vị thần linh thờ tại di tích sẽ đem phúc đến cho dân làng.
Quan sát kỹ tác phẩm, dễ dàng nhận thấy rồng là trụ chính đã hóa thân thành một cây trúc nhằm tạo nên vẻ xù xì, đậm chất nghệ thuật. Chúng ta chỉ còn nhận ra phần đầu là của con rồng, phần thân hóa thành thân trúc, đuôi rồng thành ngọn trúc và các đao mác rồng thành lá trúc.
Quán tẩy đình làng Vai. |
Rồng ở tác phẩm này được tạo hình rất động, trong tư thế chạy từ trên xuống rồi ngóc đầu lên như nhả nước vào một chiếc đĩa hình lá sen xòe ngửa giữa thân cây trúc, tựa một chiếc chậu nâng. Phần ngang thân trúc đoạn thể hiện rõ nhất đầu rồng với đường nét chạm khắc nổi khối từng chi tiết khỏe khoắn. Phần đế Quán tẩy tạo dáng hình lục giác, có hình ảnh một khóm gốc trúc, từ gốc trúc đâm chồi lên hai búp măng, một búp đã xòe hình lá sen- một biểu tượng của sự thanh tao, trong sạch.
Cùng với sự tồn tại của các ngôi đình, những hiện vật trong di tích nói chung, cây Quán tẩy nói riêng đã góp phần lưu giữ giá trị nghệ thuật, văn hóa dân gian qua những chặng đường lịch sử của dân tộc.
Thu Hường
Ý kiến bạn đọc (0)