Doanh nhân thế hệ mới phải ngang tầm thế giới
Đại diện doanh nghiệp tham dự cuộc gặp mặt với Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. |
Ngày 10/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bộ Chính trị đánh giá, đội ngũ doanh nhân Việt đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Mặt khác, một bộ phận doanh nhân còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Vì thế, tại Nghị quyết 41 vừa ban hành, Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu tới 2030 Việt Nam phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ; nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, thế giới. Trong đó, một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu và làm chủ một số chuỗi giá trị công-nông nghiệp.
Đến năm 2045, doanh nghiệp Việt phải có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu.
"Tinh thần khởi nghiệp trong thế hệ trẻ, lĩnh vực mới cần được khơi dậy. Chính sách đưa ra phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao cạnh tranh, năng lực sản xuất trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn", Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu.
Để có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tầm thế giới trong bối cảnh mới, Nghị quyết Bộ Chính trị đưa ra loạt nhiệm vụ, như chính sách đột phá để phát triển doanh nghiệp dân tộc, có quy mô lớn và dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng đó, chính sách cần được hoàn thiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và bình đẳng; bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế.
Cũng theo Nghị quyết, các khuôn khổ pháp luật phải đảm bảo ổn định, thống nhất và minh bạch, nhất là trong tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính; thúc đẩy hợp tác đối tác công - tư, và kiểm soát, xóa bỏ độc quyền trong sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức phải công khai, minh bạch, và có cơ chế ngăn ngừa, xử lý hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực với doanh nghiệp, doanh nhân.
Nhiệm vụ nữa được Bộ Chính trị nêu là hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho rằng, sự ra đời của Nghị quyết 41 là cần thiết trong bối cảnh mới khi thế giới chuyển biến liên tục, dịch Covid-19 có tác động lớn đến nền kinh tế, quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh, mạnh.
Mặt khác, vị thế Việt Nam đã nâng cao, đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp cũng có sự chuyển biến mạnh cả về lượng và chất. Nhiều quan điểm, chủ trương của Đảng liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp cũng cần được cụ thể hóa, đồng bộ.
"Nghị quyết không chỉ xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng mà còn là lực lượng nòng cốt. Cần tôn vinh cổ vũ đội ngũ này lớn mạnh", ông nói.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ví "Nghị quyết 41 như một món quà đặc biệt" cho doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân 13/10.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị ThaiBinh Seed, nói "đây là một luồng gió mới". Theo ông, doanh nhân phải khỏe thì doanh nghiệp, nền kinh tế mới mạnh, từ đó, đất nước mới giàu mạnh.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)