Doãn Đại Hiệu - Tiến sĩ làng Yên Ninh
Đền thờ 10 tiến sĩ tại làng Yên Ninh. |
Doãn Đại Hiệu sinh ra và lớn lên bước vào chốn quan trường ở những năm đầu của nửa cuối thế kỷ thứ XVI. Từ nhỏ, ông đã tỏ ra thông mẫn khác người, đọc rộng hiểu nhiều thi thư. Lớn lên, ông chuyên tâm vào con đường văn học. Tiếp nối truyền thống quê hương, noi theo những tấm gương khoa danh của bậc cha anh trong làng như họ Thân, họ Ngô, họ Nguyễn đã hun đúc trong Doãn Đại Hiệu sự nhiệt tâm học tập quên mình.
Tại khoa thi Hội năm Tân Sửu 1541, niên hiệu Quảng Hoà thứ nhất, ông đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ. Khi vào thi Đình do vua Mạc trực tiếp sách vấn để phân hạng tiến sĩ, Doãn Đại Hiệu được ban đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân sau làm quan đến chức Tham chính Tổng binh, tước bá. Về hành nghi tước bá như Doãn Đại Hiệu thuộc hàng tứ phẩm giống như các quan Đông các Đại học sĩ Quốc Tử giám tế tửu, thông chính sứ. Ông là người văn võ song toàn. Sách Liệt truyện đăng khoa bị khảo chép: "Doãn Đại Hiệu, người xã Yên Ninh, đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Phúc Hoà I, đời Mạc Phúc Nguyên (1541), làm quan đến chức Tham chánh Tổng binh, sau về nghỉ hưu". Theo Lệ Trí sĩ, từ thời Lê Trung Hưng về sau thì các quan văn võ đến 70 tuổi mới cho về hưu. Ngày về hưu, các quan triều đường đều có thư mừng, lần lượt viết vào bức lụa, bày tiệc tiễn đưa. Như vậy, Doãn Đại Hiệu làm quan dưới triều Lê - Mạc sau về nghỉ hưu cũng chí ít cũng phải ngoài 70 tuổi.
Tiến sĩ Doãn Đại Hiệu làm quan trong triều vào đúng thời gian xảy ra xung đột Nam - Bắc triều. Chính quyền họ Mạc thống trị vùng Bắc Bộ ngày nay. Họ Trịnh nắm quyền vùng Thanh Hoá trở vào. Cuộc nội chiến ác liệt giữa hai tập đoàn phong kiến Mạc- Trịnh kéo dài hơn nửa thế kỷ khiến đời sống nhân dân khổ cực. Bản thân ông nhiều lần cầm quân vào Thanh Hóa đánh Trịnh lập được công lao và là tướng giỏi của triều Mạc. Khi về hưu tại làng Yên Ninh, thấy quê hương mình nằm trong hoàn cảnh chung của đất nước- nhà Lê, nhà Mạc, nhà Trịnh phân tranh. Có lẽ đó cũng là lý do khiến người có thực tài, thực học như Tiến sĩ Doãn Đại Hiệu khi về nghỉ hưu chưa toàn tâm, toàn ý với chính thể đương thời. Dù sao, ông vẫn rất tự hào về làng Yên Ninh là một làng quê nổi tiếng khoa danh, khiến nhiều người, nhiều đời phải thán phục.
Cuộc đời và sự nghiệp khoa danh của Tiến sĩ Doãn Đại Hiệu được nhân dân Yên Ninh, xứ Kinh Bắc cũng như đất nước ghi khắc vào bảng vàng bia đá. Nghè Nếnh, Văn Miếu hàng tỉnh Bắc Ninh, Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) là những nơi ghi khắc tên tuổi khoa danh của ông. Riêng Nghè Nếnh bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp hiện được nhân dân tôn tạo bề thế trên nền đất cũ. Để khắc ghi công trạng của các vị tiến sĩ khoa bảng ở địa phương, làng Yên Ninh đã khôi phục đền thờ 10 vị tiến sĩ, đồng thời sưu tầm, nghiên cứu tiểu sử và sự nghiệp khoa danh, quan chức của các danh nhân khoa bảng địa phương, trong đó có Tiến sĩ Doãn Đại Hiệu.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)