Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang lấy ý kiến đóng góp vào 3 dự thảo luật
Đồng chí Trần Văn Tuấn phát biểu. |
Các ĐBQH: Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đồng chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.
Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào 3 dự thảo luật gồm: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD- sửa đổi), Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Giá (sửa đổi). Các đại biểu đều cho rằng việc ban hành dự thảo các luật nêu trên là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, định hướng xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD gồm 7 chương, 79 điều. Một số đại biểu góp ý, ở Điều 8 về bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương nên mở rộng, đưa thêm thành viên là hộ nghèo, cận nghèo. Đối với các hành vi bị cấm, ngoài cụm từ "ép buộc" cần thêm cụm từ "dụ dỗ" người khác mua sản phẩm.
Điều 48 về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị- xã hội, đề nghị bổ sung nội dung "kiến nghị việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tổ chức, cá nhân kinh doanh". Ở Chương VI - Quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD nên quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý quảng cáo, quản lý không gian mạng và các nền tảng số tránh chung chung.
Tại Điều 70, vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi NTD đề nghị đưa thêm một nội dung về hòa giải, đối thoại tại phiên tòa theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Ở Điều 10 về các hành vi bị cấm đề nghị bổ sung nội dung nghiêm cấm hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân của khách hàng cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của khách bảo đảm quyền riêng tư và tránh NTD bị quấy rối.
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 8 chương và 54 điều. Một số đại biểu đề nghị tại Điều 3 cần sắp xếp lại các khái niệm theo hướng từ đơn giản đến phức tạp, để người đọc dễ hiểu hơn. Ví dụ theo thứ tự Dữ liệu - Dữ liệu số - Cơ sở dữ liệu - Thông điệp dữ liệu để bảo đảm tính logic, khoa học.
Quang cảnh hội nghị. |
Tại Chương IV -Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử có ghi giao Chính phủ quy định chi tiết về giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử. Tuy nhiên, cần phải nói rõ hơn về việc thực hiện hợp đồng và cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử; chế tài xử lý vi phạm… Ngoài ra còn có ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan khi để xảy ra mất, lộ lọt, bị thay đổi, chiếm đoạt dữ liệu, thông tin cá nhân trong quá trình thực hiện các giao dịch điện tử.
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) gồm 8 chương, 74 điều. Các đại biểu góp ý cần làm rõ hơn khái niệm “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” vì đây là đối tượng được Nhà nước điều tiết, bình ổn khi có biến động lớn. Tại khoản 9, khoản 10, Điều 4 nên thay cụm từ “khoảng thời gian nhất định” bằng thời gian cụ thể là bao lâu.
Xác định rõ những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người cụ thể là hàng hóa, dịch vụ gì. Bổ sung trong quyền của NTD về tiếp cận thông tin về chính sách giá của Nhà nước, các biện pháp quản lý, điều tiết giá của Nhà nước...
Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Văn Tuấn đánh giá cao ý kiến của các đại biểu đóng góp vào các dự thảo luật. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp gửi các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến.
Tin, ảnh: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)