Đô đốc Giáp Văn Cương - Vị tướng Trường Sa
Đô đốc Giáp Văn Cương gặp gỡ chiến sĩ công binh xây dựng đảo Tiên Nữ. Ảnh tư liệu. |
Tháng 3-1977, tướng Giáp Văn Cương lúc bấy giờ đang giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, được điều về làm Tư lệnh Hải quân. Thời gian này, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước, đặc biệt là đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, bề ngoài tuy bình lặng, nhưng thực tế lại diễn ra hết sức căng thẳng – một cuộc chiến ngấm ngầm, chạy đua với thời gian, nhanh chóng củng cố, tăng cường lực lượng, chủ động vượt lên trước nhằm ngăn chặn mưu đồ của một số thế lực nước ngoài đang chực chờ cơ hội đánh chiếm các đảo của ta ở Biển Đông. Ngay từ những năm tháng đầu tiên gắn bó với lính Hải quân, với Trường Sa, tướng Giáp Văn Cương đã bộc lộ và phát huy hết năng lực quân sự, đồng thời tỏ rõ là một vị tướng tài, có tầm nhìn chiến lược.
Bằng trải nghiệm của một vị tướng từng vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường qua hai cuộc kháng chiến và vốn là người có nhãn quan quân sự sáng suốt, tướng Giáp Văn Cương đã nhận thức thấu đáo tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Giữ trọng trách tổng chỉ huy lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo, ông đã thể hiện tư duy vượt trước tư duy của rất nhiều người cùng thời khi kiên trì đề xuất với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương bằng mọi giá phải tập trung đầu tư đặc biệt, đồng thời gấp rút triển khai các kế hoạch bảo vệ Trường Sa và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Đặt trong bối cảnh đất nước những năm đầu sau ngày thống nhất (1975), cả về khách quan và chủ quan, tư duy về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo chưa thực sự được chú ý, coi trọng. Hơn thế nữa, trong điều kiện nền kinh tế đất nước đang từng bước rơi vào khủng hoảng trầm trọng, nhân dân phải đối mặt với nghèo, đói, trong khi việc triển khai kế hoạch tăng cường phòng thủ bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên biển, đặc biệt là tăng cường kiên cố hóa các công trình phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa lại hết sức tốn kém – đó là điều ít ai nghĩ đến. Vì thế, nhiều người cho rằng những đề xuất của tướng Giáp Văn Cương là không cần thiết, thậm chí đó là những đề xuất không tưởng. Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển những năm sau đó, nhất là xâu chuỗi lại các sự kiện từ việc để Hoàng Sa bị chiếm đóng năm 1974, đến việc Trung Quốc tấn công đánh chiếm các đảo và bãi đá ngầm của ta vào tháng 3-1988, cũng như việc trong một khoảng thời gian ngắn, bắt đầu từ năm 1988, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ta đã thực hiện thành công Chiến dịch CQ-88 (chiến dịch tập trung xây dựng, kiên cố hóa các công trình phòng thủ và tăng cường lực lượng đóng quân trên tất cả các đảo và bãi ngầm ở Trường Sa), cho thấy, đó là kế hoạch sáng suốt, táo bạo, đúng đắn và vô cùng kịp thời, góp phần quyết định để chúng ta giữ được thế chủ động chống lại ý đồ xâm chiếm các vùng biển, đảo Tổ quốc của một số thế lực nước ngoài.
Tháng 2-1980, tướng Giáp Văn Cương được điều động trở về Bộ Quốc phòng. Thời điểm bấy giờ, mặt trận đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển bắt đầu trở nên căng thẳng khi một số thế lực nước ngoài ngày càng bộc lộ rõ ý đồ lấn chiếm, thâu tóm các vùng biển, đảo của Việt Nam. Mặc dù rời khỏi cương vị Tư lệnh Hải quân, ông vẫn theo dõi sát tình hình và luôn đau đáu trăn trở với những kế hoạch, ý tưởng bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa. Ông từng tâm sự với lính: “Biển thì mênh mông quá, vất vả lắm đấy chúng mày ạ, nhưng không được nản. Để mất đi dù chỉ là một tấc đất, tấc biển là có tội với đất nước, có tội với ông cha chúng mình đấy. Vì vậy, khổ cũng cố mà giữ!...”. Đại tá Nguyễn Sáng từng sống, làm việc với tướng Giáp Văn Cương trong nhiều năm, kể lại rằng: Ông ấy tâm huyết với Trường Sa và là một vị Tư lệnh lăn lộn, hiểu rất rõ về mọi vấn đề của Trường Sa. Ông ấy tính nóng nảy, nhưng lại sống gần gũi với lính và rất thương lính. Để làm gì tốt cho lính, nhất là những người lính đang sống ở Trường Sa, ông ấy chẳng nề hà. Lính Trường Sa cứ gọi ông ấy là “Bố” – “Bố Cương” là đúng đấy!...
Một góc đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Ngân Giang. |
Đầu năm 1984, tướng Giáp Văn Cương được điều động trở về làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân lần thứ hai. Đây là cuộc trở về mà như nhiều người lúc bấy giờ thường nói “Đưa tướng Cương về lại biển là cho rồng gặp mây, cho cá gặp nước”. Ngay sau khi trở lại cương vị Tổng chỉ huy lực lượng Hải quân, tướng Giáp Văn Cương tiếp tục đề xuất và triển khai các phương án, kế hoạch tác chiến phòng thủ Trường Sa mà ông từng trăn trở, ấp ủ. Ông đưa ra dự báo chiến lược rất chính xác: “Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của Hải quân Việt Nam”. Nhận thức rất rõ việc một số nước đang cố tình tìm mọi cách thực hiện ý đồ đánh chiếm các vùng biển, đảo ở Trường Sa, tướng Cương một mặt kiên trì đề xuất lên cấp trên gấp rút triển khai kế hoạch tăng cường lực lượng mọi mặt, bảo đảm phòng thủ vững chắc chủ quyền Việt Nam trên biển, mặt khác chủ động xuống lệnh cho các lực lượng của Quân chủng tập trung, sẵn sàng đối phó với mọi bất trắc có thể xảy ra. Đầu năm 1988, ông đã có những quyết định vừa táo bạo, vừa bất ngờ trong việc chỉ đạo Quân chủng dồn lực lượng tăng cường phòng thủ Trường Sa với phương châm: “Kiên quyết đóng nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo, nếu cần có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi”. Cụm từ “ủi bãi” gắn với chiến thuật trong điều kiện cần kíp khi đối phương tấn công chiếm đảo, sẵn sàng sử dụng các loại tàu, kể cả tàu chiến chạy chồm lên các bãi ngầm nhằm khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Trường Sa được coi là quyết định táo bạo và hết sức dũng cảm của tướng Giáp Văn Cương. Chính nhờ quyết định sáng tạo đầy quyết đoán này mà trong trận chiến ở vùng biển Gạc Ma (14-3-1988), các chiến sĩ trên con tàu HQ 505 Anh hùng đã bất chấp tất cả lao lên bãi đá ngầm, giữ vững được chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên đảo Cô Lin kiêu hãnh. Cũng liên quan đến sự kiện này, nhiều người lúc bấy giờ chưa hiểu và sẽ chưa kịp hiểu lý do tại sao ngay trong Tết năm 1988, tướng Giáp Văn Cương trong cuộc họp Quân chủng lại tuyên bố rất lạ lùng rằng: “...Năm nay không có Tết. Tất cả cơ quan báo động, toàn bộ cơ quan, các lực lượng phải tập trung vào Cam Ranh sẵn sàng lên tàu ra giữ đảo!”. Đích thân ông trong sáng mồng 1 Tết đã có mặt tại Cam Ranh trực tiếp chỉ đạo chiến dịch bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa. Chỉ đến khi tàu Trung Quốc gây hấn đánh chiếm các vùng biển, đảo của ta ở khu vực Gạc Ma năm 1988, mọi người mới thực sự hiểu vì sao ông phải làm như vậy.
Sau sự biến Gạc Ma, tướng Giáp Văn Cương đề xuất lên cấp trên triển khai gấp chiến dịch tập trung vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng, củng cố các công trình phòng thủ bảo vệ chủ quyền Trường Sa và khu vực nhà dàn DK1 và được chấp nhận. Tiếp đó là những ngày tháng tướng Giáp Văn Cương dốc hết tâm trí và sức lực của bản thân mình cho công việc. Đại tá Phan Năng Giả, nguyên Chủ nhiệm Công binh Quân chủng Hải quân, nguyên Phó Ban DK1 Bộ Quốc phòng là người từng gắn bó với tướng Giáp Văn Cương trong những năm tháng xây dựng các công trình trên quần đảo Trường Sa và hệ thống nhà dàn DK1, khi nói về tướng Cương đã không giấu được vẻ kính nể: “Ông ấy tài, vô cùng quyết đoán và có sức làm việc ghê gớm lắm! Khi tiến hành xây các công trình trên các đảo chìm, nhất là xây nhà dàn ở khu vực DK1, nhiều lúc cả đội ngũ kỹ sư và lính thợ chúng tôi rất rối trí vì không thể giải quyết vấn đề nảy sinh trong thi công một số hạng mục. Nếu có tướng Cương ở đó, ông cứ oang oang chỉ đạo: Cố mà suy nghĩ, suy nghĩ thấy đúng thì cứ mạnh dạn mà làm, sai đến đâu, sửa đến đấy, đừng sợ!”.
Nhạy bén nắm bắt tình hình, dự đoán chính xác tình huống sẽ xảy ra và chủ động, táo bạo, quyết đoán, kịp thời lên kế hoạch đối phó là năng lực vượt trội trong chỉ đạo tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tướng Giáp Văn Cương. Tướng Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân từng nhiều lần nhắc đi, nhắc lại: “...Không có sự chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt và kịp thời của tướng Giáp Văn Cương trong những năm tháng ông giữ chức Tư lệnh Hải quân, việc giữ gìn chủ quyền ở quần đảo Trường Sa hôm nay sẽ khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều!”.
Năm 1990, tướng Giáp Văn Cương bị bạo bệnh và đột ngột từ trần ngay trong lúc đang trực tiếp chỉ đạo cuộc diễn tập CV90 (chi viện cho Trường Sa). Đây là một mất mát lớn không chỉ đối với Quân chủng Hải quân mà còn đối với cả đất nước.
Có thể nói, trong cuộc đời binh nghiệp gần 50 năm, tuy chỉ có 9 năm gắn bó với lực lượng Hải quân, nhưng cho đến tận hơi thở cuối cùng, tướng Giáp Văn Cương đã sống, cống hiến và ra đi đúng với tư thế hiên ngang của một người Lính Hải quân luôn coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Ông thật xứng đáng với biệt danh đầy thân thương mà lính Hải quân xưng tặng: “Bố Cương – Vị Tướng Trường Sa” !
Đức Phương - Văn Ánh
Ý kiến bạn đọc (0)