Điểm đến tri thức của học sinh
Cơ sở khang trang, sách hấp dẫn
Năm học này, học sinh Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) phấn khởi khi có thư viện mới được xây dựng khang trang, đẹp đẽ, thân thiện. Thư viện đạt chuẩn mức 2 theo tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Với hơn 7 nghìn đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực, như: Sách tham khảo, pháp luật, kỹ năng sống, khoa học-xã hội; truyện tranh, cổ tích; thư viện trường thu hút nhiều học sinh đến đọc sách. Trang web của trường có mục thư viện với gần 2 nghìn đầu sách điện tử được đăng tải.
Một tiết học đọc tại Thư viện Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang). |
Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước kia, thư viện chưa được đầu tư xây mới, số học sinh tìm sách đọc không nhiều. Một trong những nguyên nhân chính là do diện tích phòng đọc hẹp, không gian đọc chưa hấp dẫn; số đầu sách ít. Giờ đây, học sinh hào hứng với việc đọc sách. Nhân viên thư viện nhà trường được đào tạo đúng chuyên ngành, thường xuyên phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp tổ chức các tiết học, hướng dẫn kỹ năng đọc sách cho học sinh”.
Ở thư viện Trường THCS thị trấn Vôi số 1 (Lạng Giang), ngoài gần 4 nghìn đầu sách có trong thư viện, nhà trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, các lớp vận động phụ huynh ủng hộ sách mới góp phần làm phong phú kho sách thư viện.
Cô giáo Bùi Thị Thảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này trường có gần 1 nghìn học sinh. Do đặc thù giờ giải lao sau mỗi tiết học của học sinh THCS ngắn (5 phút), riêng nghỉ giữa buổi 15 phút nên thời gian đọc sách của các em tại thư viện không được nhiều. Mặt khác, thư viện ở tầng 3, nhiều lớp ở xa không tiện lên đọc. Để tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội thuận tiện đọc sách, nhà trường khuyến khích các lớp làm thêm giá sách ở góc lớp, đồng thời luân chuyển sách từ kho thư viện xuống các lớp.
Hiện nay, nhiều lớp có giá sách mini, tập trung ở khối 6 và khối 7. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhiều phụ huynh tự làm giá sách, đồng thời ủng hộ sách báo mới cho các lớp. Hằng tuần, tháng, các đầu sách sẽ được luân chuyển giữa các lớp và các khối. Cách làm này giúp học sinh có thêm những đầu sách hay, hấp dẫn, đồng thời hứng thú hơn với việc đọc sách. Năm học tới, trường có kế hoạch làm tủ sách theo tầng (mỗi tầng hiện có 6 lớp) để tiện cho việc đọc của học sinh; tiếp tục huy động nguồn xã hội hóa bổ sung đầu sách cho thư viện.
Huy động nguồn lực, đổi mới hoạt động
Thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 1/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; "Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang" và một số văn bản liên quan; thời gian qua, Sở GD&ĐT quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, nâng cao chất lượng hoạt động thư viện. Trong đó, yêu cầu các trường củng cố, kiện toàn, xây dựng hệ thống thư viện theo hướng hiện đại, thân thiện, tạo thuận lợi tối đa cho học sinh tiếp cận sách, báo, tài liệu.
Sở GD&ĐT sẽ tích cực phối hợp với UBND các huyện, TP chỉ đạo, triển khai hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại trong các nhà trường; trang bị mới, nâng cấp các phần mềm thư viện điện tử, thư viện số. Tổ chức tập huấn công tác quản lý, nghiệp vụ theo hướng ứng dụng mạnh công nghệ số trong phát triển thư viện nhà trường".
Bà Đào Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT. |
Toàn tỉnh có 751 thư viện nhà trường ở 4 cấp học: Mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Hiện 100% cơ sở giáo dục các cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó hơn 50% cơ sở giáo dục bậc học phổ thông có thư viện đạt chuẩn mức độ 1 theo quy định. Ngoài bổ sung các đầu sách từ nguồn ngân sách nhà nước được cấp hằng năm, các trường còn làm tốt công tác xã hội hóa từ các nhà tài trợ, phụ huynh ủng hộ sách, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất thư viện.
Để truyền cảm hứng văn hóa đọc cho học sinh, nhiều trường tổ chức hoạt động khuyến học, như: Giới thiệu về sách; thi kể chuyện, xếp sách nghệ thuật; mời diễn giả nói chuyện, tọa đàm, giao lưu. Cùng đó, số hóa các tài liệu sách, báo, thiết kế, xây dựng thư viện điện tử trên các trang web để học sinh dễ tiếp cận.
Mặc dù hoạt động thư viện trường học từng bước được quan tâm song qua tìm hiểu ở nhiều địa phương, hoạt động thư viện chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Cơ sở vật chất của thư viện không bảo đảm về diện tích, không gian đọc theo tiêu chuẩn. Phần lớn nhân viên thư viện làm việc kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản về chuyên ngành thư viện nên việc hướng dẫn phương pháp tìm, tra cứu, kỹ năng đọc sách đối với học sinh còn hạn chế. Vẫn còn nhiều trường chưa chú trọng hoạt động khuyến đọc trong học sinh; số lượng sách bổ sung hằng năm còn ít, nội dung chưa thực sự phong phú. Việc ứng dụng công nghệ thông tin ở nhiều thư viện trường học còn rời rạc, chưa đồng bộ.
Ông Nguyễn Văn Phái, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Bắc Giang cho biết: “Hiện nay, toàn ngành giáo dục TP có 54 thư viện trường học, trong đó có 11 thư viện đạt chuẩn mức độ 2; 22 thư viện đạt chuẩn mức độ 1. Khó khăn trong hoạt động thư viện hiện nay ở nhiều trường đó là số phòng đọc diện tích nhỏ hẹp. Nhiều trường làm tốt công tác xã hội hóa để bổ sung nguồn sách hằng năm nhưng vẫn có những trường chưa thực sự quan tâm”.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc trong trường học, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, TP, đơn vị thuộc sở phối hợp chặt chẽ với Thư viện tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các huyện, TP tăng cường hoạt động thư viện trong nhà trường.
Trọng tâm là tư vấn, hướng dẫn, xây dựng thư viện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thư viện trường học; luân chuyển sách, báo phục vụ học sinh; đẩy mạnh truyền thông, tổ chức sự kiện văn hóa đọc, giới thiệu sách báo, kể chuyện, vẽ tranh theo sách. Khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong học đường, gắn với xây dựng xã hội học tập, đưa các hoạt động này vào khung chương trình giáo dục ngoại khóa, chính khóa phù hợp với từng cấp học, bậc học; xây dựng và phát triển các nguồn học liệu mở.
Cùng đó, các trường tích cực tham mưu với chính quyền địa phương, đơn vị liên quan đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất hệ thống thư viện theo hướng hiện đại, thân thiện.
Bài, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)