Thứ sáu, 31/05/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Địa danh Mường Hịch trong bài thơ "Tây Tiến"

Cập nhật: 11:31 ngày 21/02/2023
(BGĐT) - Nhà thơ Quang Dũng (tên thật Bùi Đình Diệm), sinh năm 1919 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội).

Quang Dũng gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Năm 1947, ông tham gia đoàn quân Tây Tiến, hành quân lên Tây Bắc với nhiệm vụ phối hợp với bộ đội nước bạn bảo vệ vùng biên giới Việt - Lào.

Ông là người tài hoa, vẽ tài, hát giỏi, thơ hay. Bài thơ Tây Tiến của ông được chọn vào giảng dạy trong sách giáo khoa môn Ngữ văn THPT. Rất nhiều độc giả đã thuộc bài thơ - mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn của người chiến sĩ cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ. Đây là hai khổ thơ điển hình:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Áo bào thay chiếu, anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Giai thoại sau đây kể về chuyện con trai nhà thơ đề nghị sửa một địa danh trong bài thơ nổi tiếng này. May mà Quang Dũng không nghe, chứ không thì bài thơ mất một thông tin vô cùng đáng giá, làm nên giá trị bài thơ.

{keywords}

  Thung lũng Mai Châu (Hòa Bình) - một trong những địa danh được nhắc đến trong bài Tây Tiến.

Ban đầu, bài thơ được Quang Dũng đặt tên là Nhớ Tây Tiến. Ông sáng tác rất nhiều, nhưng không hiểu sao lại trăn trở nhất với riêng bài thơ này.

Anh Bùi Quang Vĩnh - con trai ông kể lại, nhiều lần anh thấy cha mình ngồi rất lâu trước cuốn sổ, băn khoăn về cái tít vẻn vẹn có 3 chữ ấy. Có lẽ Tây Tiến là một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của Quang Dũng nên bài thơ thấm đẫm tinh thần đoàn quân hào hoa ngày nào. Ông muốn có một sự chỉn chu đến từng câu chữ.

Cuối cùng, Quang Dũng lấy bút gạch đi chữ “Nhớ”. Dù còn nhỏ, nhưng cậu bé Vĩnh cũng buột miệng hỏi sau khi thấy cha mình “bóp trán” cả năm trời mà chỉ sửa được duy nhất một chữ: “Chữ Nhớ đâu có ảnh hưởng nhiều đến bài thơ mà bố nghĩ lâu thế?” - cậu hỏi. Quang Dũng chỉ cười mà rằng: “Tây Tiến, nhắc đến là đã thấy nỗi nhớ rồi. Thế nên để chữ nhớ là thừa”.

Đến quãng năm 1956, có lẽ vẫn chưa “dứt duyên” với Tây Tiến, một buổi sáng Quang Dũng lại mang cuốn sổ thơ của mình ra “ngâm cứu”. Rồi như cần đến một người tri kỷ, Quang Dũng gọi con trai lại và hỏi: “Con đọc cho bố nghe cả bài thơ rồi nhận xét xem nó thế nào?”. "Khi ấy tôi còn rất nhỏ" - anh Vĩnh nói. "Tôi mới học lớp 7 nên nào biết cảm nhận văn chương thơ phú nó ra làm sao. Thậm chí đọc bài thơ ấy tôi còn thấy hơi... ngang ngang."

Tuy vậy, làm ra vẻ con nhà nòi, anh Vĩnh cũng “phán” bừa một câu: “Con thấy câu Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người nghe cứ “chối chối” thế nào ấy. Hay bố thay cái tên khác vào cho hợp chứ Mường Hịch nghe nặng nề quá”.

Thực ra lúc ấy anh Vĩnh chỉ thấy nó có vẻ không vần điệu lắm với khổ thơ trên. Nghe vậy Quang Dũng ngần ngừ một lát, rồi suy tính thế nào ông lại mỉm cười: “Thế thì không ổn con trai ạ”.

Mãi sau này anh Vĩnh mới vỡ lẽ ra cái sự ngần ngừ không ổn ấy bắt nguồn từ một nguyên do. Mường Hịch là một địa danh gắn liền với kỷ niệm bất ngờ của cha mình. Trong một lần hành quân, đoàn quân Tây Tiến dừng chân ở Mường Hịch, gần sông Mã. Người dân nơi đây kể cho Quang Dũng nghe về một con cọp đã thành tinh chuyên bắt người ăn thịt. Rất nhiều dân lành đi rừng đã bị con hổ này vồ mất xác.

Thấy bộ đội có súng nên một số người dân ngỏ lời nhờ diệt trừ thú dữ. Vốn là người gan dạ, khỏe mạnh, mới nghe thế máu “mã thượng” trong Quang Dũng đã bốc lên. Ông gọi một số đồng đội trong đơn vị lại, lấy một con lợn trói tại gốc cây làm mồi bẫy, còn bản thân cùng anh em chia nhau nấp đợi hổ về. Nửa đêm, dân làng nghe thấy mấy tiếng súng vọng lại từ rừng già, rồi sau đó là tiếng hổ gầm điên loạn. Gần sáng thì thấy Quang Dũng dẫn đầu tốp bộ đội hớn hở về, vác theo con hổ.

Vậy mà cái địa danh Mường Hịch đáng nhớ ấy, suýt nữa thì anh con trai nhà thơ cắt mất trong tác phẩm của cha mình.

PGS TS Phạm Văn Tình

Lời xin lỗi
(BGĐT) - Đó là buổi học thứ chín của An ở trường mới. Kết thúc giờ thể dục, cô bé An trở về phòng thay đồ và nhìn thấy một đám đông đang xúm xít trước hộc để đồ của cô. 
Nối nghiệp
(BGĐT) - Ly bước vào lớp 12, cả nhà tất bật với việc chọn nghề, chọn trường cho con. Vợ chồng chị không muốn áp đặt mà chỉ định hướng rồi cho con tự chọn nghề nghiệp theo sở thích của mình. 
Thung Mây
(BGĐT) - Thung Mây, mùa xuân. Những ngọn gió núi như đôi cánh vô hình lướt êm qua những triền lau hoang liêu, bàng bạc khói. Mây mỏng phủ mờ đỉnh núi, chùng chình len lỏi vào đường đá quanh co, tràn ra như suối bềnh bồng phủ kín ngực đồi, thung lũng.

Chia sẻ:
dia-danh-muong-hich-trong-bai-tho-tay-tien.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...