Đền Đa Mai -Nơi tưởng nhớ hai công chúa họ Trần
Phần tế lễ tại Hội Đa Mai ngày 10-2 năm Mậu Tuất. |
Tới đây, du khách không chỉ được đứng trên con đê sông Thương thưởng ngoạn phong cảnh bình yên của một vùng quê “xanh xanh lũy tre, ngô khoai biêng biếc, con đò sang ngang” hay ngắm nhìn những dải phù sa cát trắng mà còn được đắm mình giữa chốn thanh tịnh của đền Đa Mai cùng dòng sông thân thương đã từng nổi sóng căm thù nhấn chìm quân xâm lược.
Đền Đa Mai còn gọi là từ Đa Mai, nằm tôn nghiêm tĩnh lặng bên rìa sông nơi hợp lưu giữa ngòi Đa Mai với sông Thương, khi xưa thuộc trang Đa Mỗi, phủ Lạng Giang, huyện Yên Dũng, nay thuộc phường Đa Mai, TP Bắc Giang. Tại đây thờ hai vị công chúa nhà Trần là Bảo Nương, Ngọc Nương.
Theo thần phả phường Đa Mai hiện được lưu giữ ở đình Đa Mai cho biết: Vào thời vua Trần Thái Tông niên hiệu Thiên Ứng (1232-1250), tại bến Giang Tân (khúc sông Thương thuộc địa phận phường Đa Mai ngày nay) diễn ra một trận thuỷ chiến tiêu diệt một cánh quân quan trọng của giặc Nguyên-Mông, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước. Đây là chiến công của hai vị công chúa con vua Trần Thái Tông cùng với sự phò giúp tận lực của nhân dân trang Đa Mỗi xưa (Đa Mai ngày nay).
Khi giặc Nguyên-Mông xâm lược nước ta, vua sai đình thần đem quân đánh dẹp nhưng mãi không yên. Hai chị em công chúa Bảo Nương, Ngọc Nương cũng xin vua cha đi đánh giặc cứu nước. Biết quân giặc đóng đồn trên sông Nhật Đức (sông Thương), hai nàng giả danh thuyền buôn, dùng kế mỹ nhân mê hoặc tướng giặc. Quả nhiên tướng giặc trúng kế, truyền làng Đa Mai phải đem nộp cả hai chị em.
Hai công chúa bàn cách với dân làng, ở riêng một thuyền nhỏ neo đậu bên bến sông Đa Mai, ngầm đục thủng thuyền rồi đút nút lại, đồng thời sai người về triều tâu với vua cha, xin tiến quân vào ngày 10 tháng Hai (âm lịch).
Đúng ngày hẹn, tướng giặc đến thuyền hai công chúa làm lễ hợp cẩn. Hai chị em xin đợi đến giờ Tý (nửa đêm) mới được động phòng. Bao nhiêu tướng sĩ theo hầu cho về đồn cả, chỉ còn một chủ tướng say rượu nằm đợi.
Tượng hai công chúa Bảo Nương - Ngọc Nương. |
Hai công chúa mật sai người tháo lỗ hổng để cho nước vào thuyền. Thuyền đắm, hai nàng cùng tướng giặc chìm xuống đáy sông. Sáng hôm sau, ngày 10 tháng Hai năm Đinh Tỵ (1257), quan quân nhà Trần điều binh tiến đánh, quả nhiên giặc không tướng như rắn mất đầu, hò nhau tháo chạy, chưa đầy một ngày đã dẹp yên. Tin về tới kinh thành, nhà vua thương xót khôn xiết, lập tức xa giá tới làng Đa Mai, sai đình thần, nhân dân làm điếu lệ. Xác hai công chúa nổi lên mặt nước đến bến Giang Tân thì dừng lại. Vua truyền làm tang lễ, an táng hai công chúa ngay tại nơi đó, giữa khu đất hình hàm rồng, trông tựa phong sơn đại bút. Cảm phục trước tấm gương xả thân vì đất nước của hai công chúa khi tuổi mới mười tám, đôi mươi, nhân dân Đa Mai đã dựng đền thờ tại bến Giang Tân làm nơi hương khói tưởng niệm, lại được vua cấp tiền để dùng vào việc đèn hương, đồng thời ban danh “Chính Linh từ” và miễn sưu thuế cho dân làng Đa Mai trong ba năm liền. Sau này trải qua các đời vua khai sáng phàm những việc gì khó khăn cứ đến đền thờ cầu khấn đều rất linh ứng. Đền được tặng phong mỹ tự. Húy: Bảo Nương, Ngọc Nương nhất thiết cấm.
Trải qua thời gian cùng sự biến sơn hà, ngôi đền đã được trùng tu nhiều lần, hiện nay có kiểu kiến trúc “tiền đinh hậu nhị”, ngoảnh hướng Nam. Tại đây, người dân địa phương bao đời luôn hương khói đều đặn với niềm tin tưởng cầu phúc, cầu lộc, sức khỏe, mùa màng tươi tốt cho gia đình và đất nước. Trong đền hiện còn bảo lưu nhiều hiện vật quý như: Nhang án, chiêng, ngai thờ, tượng thờ hai vị công chúa Bảo Nương-Ngọc Nương, hoành phi, câu đối...
Hằng năm, vào ngày 10-2 âm lịch (ngày giỗ hai vị công chúa), nhân dân Đa Mai lại mở hội tế lễ nhằm tưởng nhớ tới công lao của hai bà với nhiều hoạt động văn hoá tín ngưỡng đặc sắc. Nơi đây không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh của người dân bản địa mà còn là một trong những điểm tham quan, du lịch của khách thập phương bằng đường thủy mỗi khi có dịp qua dòng sông Thương.
Thu Hường
Ý kiến bạn đọc (0)