Đến 6 giờ sáng 21/5, Ấn Độ vẫn có số ca tử vong mới vì Covid-19 cao nhất thế giới
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (259.269 ca), Brazil (78.902 ca) và Argentina (35.884 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (4.209 ca), Brazil (2.230 ca), Mỹ (606 ca).
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Patna, Ấn Độ, ngày 13/5/2021. |
Như vậy, số ca mắc mới hàng ngày ở Ấn Độ đã giảm xuống dưới 300.000 ca trong nhiều ngày liên tiếp. Tuy nhiên, số ca tử vong hàng ngày vẫn trên 4.000 ca và ở mức cao nhất thế giới. Argentina đã vượt Mỹ, trở thành quốc gia có số ca mắc hàng ngày cao thứ ba thế giới.
Xét về tổng thể, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh với trên 33,8 triệu ca mắc, trong đó có trên 602.500 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 26 triệu ca mắc, trong đó có 291.365 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với trên 15,8 triệu ca mắc và 444.094 ca tử vong.
Ấn Độ vẫn ghi nhận ca tử vong hàng ngày cao nhất thế giới
Theo Bộ Y tế Ấn Độ, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 259.269 ca nhiễm Covid-19 và 4.209 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt 26 triệu ca và 291.365 ca. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận dưới 300.000 ca Covid-19/ngày, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức cao với trung bình 4.000 ca/ngày trong thời gian qua.
Trong bối cảnh số ca mắc tại Ấn Độ vẫn ở mức cao, Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ ra khuyến nghị đeo hai khẩu trang.
Đây được coi là một phần trong các biện pháp can thiệp phi dược phẩm nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, qua đó giúp giảm bớt sức ép lên hệ thống y tế và tạo điều kiện cho việc triển khai vaccine đến mọi nơi.
Các quan chức đánh giá, sự kết hợp giữa đeo hai khẩu trang và thực hiện thông gió chéo tại nhà có thể hạn chế sự lây lan của tất cả các biến thể của virus SARS CoV-2 đến 80% trong 20-30 ngày tới. Tờ Economic Times ngày 20/5 dẫn lời một quan chức nói: “Đeo hai khẩu trang với lớp N-95 bên trong và đảm bảo thông gió chéo trong các ngôi nhà, cơ sở là những biện pháp can thiệp quan trọng để giảm bớt lây nhiễm, vì bệnh này chủ yếu lây truyền qua hạt khí dung”. Quan chức trên cũng lưu ý, việc không tiếp xúc với người khác là điều không thể, nên những biện pháp này là các biện pháp tốt nhất cần thực hiện tiếp theo bởi chúng có hiệu quả đối với mọi biến thể.
Khuyến nghị trên được đưa ra dựa trên các nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa Lancet và Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghiệp Ấn Độ (CSIR), trong đó cho rằng Covid-19 là bệnh lây truyền qua đường không khí hơn là qua các giọt bắn. Quan chức trên nói thêm rằng các bang cần thực thi lệnh phong tỏa với những biện pháp bổ sung để cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân tại nhà một cách dễ dàng, nếu không họ sẽ gặp khó khăn trong việc giảm thiểu tiếp xúc với người khác.
Hàn Quốc có thêm 646 ca mắc mới
Hàn Quốc ghi nhận thêm 646 ca mắc mới Covid-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 134.117 ca. Con số này thấp hơn so với mức 654 ca của ngày trước đó, nhưng vẫn trên ngưỡng 600 ca/ngày. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 1.916 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này ở mức 1,43%.
Giới chức y tế Hàn Quốc vẫn đang cảnh giác trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới khi liên tục phát hiện các ổ dịch mới và số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 gia tăng. Số ca mắc mới mỗi ngày tại Hàn Quốc đã tăng 3 lần so với con số của đầu tháng 11 năm ngoái bùng phát các ổ dịch ở thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi lân cận. Trong số ca mắc mới được ghi nhận, 238 ca ở thủ đô Seoul trong khi tỉnh Gyeonggi là 183 ca.
Cho tới nay, 3.760.940 người dân Hàn Quốc đã tiêm vaccine phòng Covid-19, trong số này 1.273.210 người đã được tiêm đủ liều.
Sri Lanka ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất
Trong 24 giờ qua, Sri Lanka đã ghi nhận 3.591 ca mắc mới Covid-19, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Bộ Y tế Sri Lanka cho biết hầu hết những ca mắc mới xuất phát từ một ổ dịch mới ghi nhận sau lễ hội đón Năm mới Tamil vào tháng 4 vừa qua.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Sri Lanka là 150.771 ca, trong đó có 1.051 ca tử vong. Quốc gia Nam Á này đang trong làn sóng dịch bệnh thứ ba.
Ai Cập kéo dài thời gian đóng cửa nhà hàng, địa điểm giải trí
Chính phủ Ai Cập quyết định gia hạn quy định đóng cửa một phần vào buổi tối đối với các cửa hiệu, trung tâm thương mại, nhà hàng và các địa điểm giải trí cho đến cuối tháng 5, trong khi mở cửa lại công viên và bãi biển với điều kiện các biện pháp phòng dịch được thực hiện nghiêm ngặt.
Theo quyết định này, các cửa hàng và địa điểm giải trí sẽ tiếp tục đóng cửa từ 9 giờ tối hằng ngày cho đến ngày 31/5.
Chủ tịch Ủy ban xử lý khủng hoảng Covid-19 quốc gia, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cũng gia hạn quy định yêu cầu các nhân viên chính phủ giảm tiếp xúc cá nhân, đồng thời mở rộng chương trình tiêm chủng quốc gia cho nhân viên các tổ chức du lịch trên toàn quốc.
Ai Cập cho đến nay ghi nhận 249.238 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 14.498 ca tử vong.
Mỹ cho bảo quản vaccine Pfizer ở nhiệt độ tủ lạnh trong 1 tháng
Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) thông báo vaccine ngừa Covid-19 do các hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNtech (Đức) phối hợp phát triển có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh trong vòng 1 tháng.
Cơ quan trên rõ quyết định được đưa ra dựa trên đánh giá các dữ liệu do Pfizer cung cấp gần đây, theo đó, FDA sẽ cho phép bảo quản loại vaccine này ở điều kiện nhiệt độ tủ lạnh từ 2-8 độ C trong vòng 1 tháng. Trước đây FDA Mỹ chỉ cho phép bảo quản ở nhiệt độ này trong vòng 5 ngày.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đánh giá sinh học thuộc FDA, ông Peter Marks cho biết với sự thay đổi này vaccine Pfizer/BioNtech sẽ dễ dàng tiếp cận người dân hơn vì các đơn vị cung cấp vaccine sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong khâu tiếp nhận, bảo quản và tiêm chủng.
Trước đó, hồi tháng 2 vừa qua, FDA mới chỉ nới lỏng điều kiện bảo quản vaccine Pfizer/BioNtech ở mức "tối đa 2 tuần trong nhiệt độ phổ biến ở các tủ lạnh bảo quản dược phẩm", chứ không bắt buộc bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh từ âm 60 đến âm 80 độ C như quy định ban đầu.
Ngày 17/5 vừa qua, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng phê duyệt bảo quản vaccine Pfizer/BioNtech trong tủ lạnh trong vòng 1 tháng.
Dịch tại Cuba diễn biến phức tạp
Bộ Y tế Cuba thông báo đã ghi nhận 1.252 ca mắc mới Covid-19 trong vòng 24 giờ qua. Đây là mức cao theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát ở đảo quốc này hồi tháng 3 năm ngoái.
Con số trên nâng tổng số ca mắc tại Cuba lên 129.346 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 6 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 840 ca. Theo Bộ trưởng Y tế Francisco Duran, 1.225 ca trong số ca mắc mới trên là lây nhiễm trong cộng đồng. Thủ đô La Habana vẫn là điểm nóng của dịch bệnh với tỷ lệ lây nhiễm cao nhất nước ở mức 444,8 ca/100.000 dân.
Bộ Y tế Cuba đang tiến hành chương trình tiêm chủng đại trà với hai loại vaccine nội địa tiềm năng là Soberana-02 và Abdala. Ngoài ra, nước này cũng tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn khác nhau đối với 3 vaccine Soberana-01, Soberana Plus và Mambisa. Đối phó với làn sóng dịch bệnh hiện nay, chính phủ đã tái áp đặt các biện pháp phong tỏa trên cả nước như tạm dừng việc giảng dạy trực tiếp, đóng cửa khách sạn, quán bar và nhà hàng.
Số ca mắc mới tại Argentina cao thứ ba thế giới
Argentina đã ghi nhận 35.884 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại nước này lên 3.447.044 ca. Đây là số ca mắc mới cao thứ ba thế giới.
Bộ Y tế Argentina cho biết tổng số ca tử vong hiện là 72.699 ca sau khi ghi nhận thêm 434 ca tử vong mới. Bộ trưởng Y tế Carla Vizzotti cảnh báo về tình trạng hệ thống bệnh viện quá tải do số ca mắc tăng cao. Ông khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, qua đó giảm tỷ lệ nhập viện.
Kể từ khi triển khai chương trình tiêm chủng vào tháng 12/2020, Argentina đã tiêm 10.477.797 liều vaccine phòng Covid-19.
Colombia mở trở lại cửa khẩu biên giới với các nước láng giềng
Bộ Ngoại giao Colombia thông báo chính phủ nước này đã quyết định mở trở lại các cửa khẩu biên giới trên bộ, đường sông và đường biển với các nước láng giềng, ngoại trừ Venezuela. Các cửa khẩu này đã tạm ngừng hoạt động từ năm ngoái nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.
Thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao Colombia nêu rõ các cửa khẩu biên giới với Panama, Peru, Ecuador và Brazil được mở trở lại từ 0h00 ngày 19/5. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng Chính phủ Colombia cho rằng việc mở cửa biên giới là một biện pháp cần thiết để thúc đẩy khôi phục kinh tế tại các vùng giáp biên. Colombia cũng đề nghị chính phủ các nước láng giềng có cửa khẩu chung được mở lại, tiếp tục phối hợp để thống nhất các biện pháp cần thiết để việc đi lại của người dân và hoạt động vận chuyển hàng hóa được thông suốt, bảo đảm quy trình về vệ sinh dịch tễ.
Colombia hiện là một trong những nước có số ca mắc Covid-19 cao nhất ở Mỹ Latinh với trên 3,1 triệu trường hợp, trong đó có 83.233 người tử vong.
Thủ đô của Mexico nối lại hình thức học tập trực tiếp
Nhà chức trách Mexico cho biết các trường học ở thủ đô Mexico City sẽ được mở cửa trở lại trong tháng tới, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại đây cơ bản đã được kiểm soát và số ca mắc mới ghi nhận theo ngày đã giảm đáng kể.
Theo quyết định mới nhất nêu trên, 1,5 triệu học sinh tại thủ đô Mexico City sẽ có thể trở lại các lớp học theo hình thức trực tiếp kể từ ngày 7/6 tới trên cơ sở tự nguyện. Ông Luis Humberto Fernandez, một quan chức phụ trách giáo dục của Mexico, cho biết việc mở cửa trở lại các trường học "sẽ là một yếu tố rất quan trọng giúp giảm số lượng học sinh bỏ học".
Theo Thị trưởng Mexico City - bà Claudia Sheinbaum, cuối tuần này, toàn bộ đội ngũ giáo viên ở thủ đô sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19, trong khi việc sử dụng khẩu trang và nước sát khuẩn cũng sẽ được đưa vào quy định tại các trường học. Trong trường hợp xuất hiện các ca mắc bệnh, trường học sẽ đóng cửa trong 15 ngày để giải quyết các vấn đề phát sinh.
Mexico hiện đứng thứ 4 thế giới về số ca tử vong do Covid-19 với 220.850 trường hợp. Nước này đã đình chỉ các hoạt động học tập theo hình thức trực tiếp kể từ tháng 3/2020 trên hầu khắp cả nước để ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh. Hàng triệu học sinh tại Mexico đã được học từ xa theo các chương trình truyền phát trên truyền hình từ tháng 8/2020. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra thách thức cho những hộ gia đình nghèo, không có máy thu hình hoặc Internet.
Người dân Pháp và Áo vui mừng trong ngày "mở cửa"
Tại Pháp, người dân đã vỡ òa niềm vui sướng trong ngày 19/5, khi họ lại có thể ăn uống ngoài trời tại các quán cà phê, quán bar và nhà hàng phục vụ ngoài trời, cũng như thực hiện các chuyến thăm bảo tàng, đến các rạp chiếu phim và nhà hát sau 6 tháng bị "trói chân". Thời tiết xấu không hề làm họ nản lòng để hướng tới các điểm đến mà họ yêu thích. Nhu cầu mua vé xem một cuộc triển lãm điêu khắc thời Phục hưng tại bảo tàng Louvre đã tăng đột biến. Theo kế hoạch, sau giai đoạn hai nới lỏng phòng dịch này, Pháp sẽ mở cửa nền kinh tế hoàn toàn vào ngày 30/6 tới.
Tương tự, Chính phủ Áo cũng đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong ngày 19/5, theo đó mở cửa trở lại các nhà hàng và quán bar sau 6 tháng tạm ngừng hoạt động để phòng ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên, quyết định nới lỏng này chỉ áp dụng đối với những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 hay đã phục hồi sau khi mắc căn bệnh này.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)