Đẩy nhanh tiến độ cấp tài khoản định danh điện tử
Làm không ngày nghỉ
Nhiều tuần nay vào thứ Bảy, Chủ nhật, Thiếu tá Lưu Xuân Thảo, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Lục Ngạn) và cán bộ, chiến sĩ đơn vị không nghỉ. 3 tổ đem theo thiết bị, máy móc đến tận gia đình chính sách, người tàn tật, người già neo đơn để hỗ trợ đăng ký cấp tài khoản ĐDĐT và thu nhận hồ sơ căn cước công dân (CCCD).
Cán bộ Công an huyện Lục Ngạn tổ chức thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử tại nhà cho công dân xã Hồng Giang. |
12 giờ trưa, tổ công tác vẫn chụp ảnh, lấy dấu vân tay và tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào tài khoản ĐDĐT cho anh Lưu Văn Út (SN 1986) ở thôn Thượng Phương Sơn, xã Hồng Giang. Người hướng dẫn anh cách đặt tay sao cho khớp, người căng phông, bấm máy sao lưu. Bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam/dioxin nên anh Út đi lại rất khó khăn.
Không riêng anh, 40 người già, người tàn tật, gia đình chính sách trên địa bàn cũng được lực lượng công an đến tận nhà làm thủ tục cấp tài khoản ĐDĐT. Bà Trần Thị Xuân (SN 1967) ở cùng thôn nói: “Đi lại khó khăn, người thân lại làm ăn xa nên nhiều lần muốn đi làm CCCD mà không đi được. Nay các đồng chí công an vào tận nơi hỗ trợ, tôi vui lắm”.
Tính đến ngày 15/7, Công an huyện Lục Ngạn đã cấp gần 10 nghìn số ĐDĐT, tài khoản ĐDĐT tích hợp một số loại giấy tờ như bằng lái xe, đăng ký xe mô tô, ô tô, thẻ bảo hiểm y tế. Thiếu tá Lưu Xuân Thảo chia sẻ thêm, một số xã vùng cao tới huyện xa từ 40 - 70 km nên nhiều người có tâm lý ngại đi. Thêm đó, một số cá nhân còn sử dụng số điện thoại không chính chủ nên chưa thể đăng ký tài khoản.
Nhận rõ được những khó khăn trên, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, Đoàn Thanh niên (Công an huyện Lục Ngạn) thường xuyên phối hợp với công an các xã, thị trấn tuyên truyền trên trang zalo về lợi ích, sự cần thiết của việc đăng ký tài khoản ĐDĐT. Đề nghị Viettel Chi nhánh huyện Lục Ngạn chuẩn hóa số điện thoại chính chủ cho bà con.
Thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh (Việt Yên) được UBND huyện chọn là điểm xây dựng thôn thông minh từ năm 2022 trong lộ trình đưa xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu vào hai năm tới. Thôn hiện có khoảng 4 nghìn nhân khẩu, số người dân từ 18 tuổi trở lên chiếm khoảng 25%. Vì hầu hết các công dân ở độ tuổi lao động nên Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện) phối hợp với Công an xã tổ chức triển khai cấp tài khoản ĐDĐT tại nhà văn hóa thôn vào hai ngày (thứ Bảy và Chủ nhật).
Đại úy Nguyễn Quang Toàn, Trưởng Công an xã Quảng Minh chia sẻ: “Việc xây dựng thôn thông minh là lộ trình cần nhiều việc phải thực hiện. Cấp tài khoản ĐDĐT là bước đầu của nội dung này giúp bà con làm các thủ tục hành chính đơn giản hơn".
Nhiều lợi ích khi sử dụng tài khoản ĐDĐT
Tài khoản ĐDĐT là tập hợp tên đăng nhập, mật khẩu (gửi qua tin nhắn SMS) do Bộ Công an cung cấp. Ở mức độ 1 có thể sử dụng tính năng cơ bản, giải quyết dịch vụ công trực tuyến. Mức độ 2 khi tài khoản được xác minh bằng ảnh chân dung, vân tay trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân có thể sử dụng nhiều ứng dụng ĐDĐT quốc gia (VNEID). Ví như thanh toán tiền điện, nước, đóng bảo hiểm, chuyển viện... mà không cần mang, xuất trình nhiều giấy tờ như trước.
Việc tạo lập, cấp tài khoản ĐDĐT là một trong những tiện ích phục vụ công dân số, đã được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trong đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi là Đề án 06). |
Trung tá Lê Thị Thoa, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) thông tin, xác định cán bộ, công chức là lực lượng tiên phong đi đầu, gương mẫu thực hiện, từ ngày 4/6 đến 30/7, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội các huyện, TP tổ chức cao điểm thu nhận hồ sơ cho cán bộ, công chức. Đến nay đã thực hiện được 60,6 nghìn hồ sơ.
Mặc dù đã được tuyên truyền nhiều nhưng người dân chưa hiểu hết những lợi ích sau khi được cấp tài khoản ĐDĐT; có tâm lý e ngại lộ lọt thông tin. Thêm đó, nhiều người ở độ tuổi lao động đi làm ăn xa hoặc làm ca kíp trong các doanh nghiệp không thể có mặt để hoàn thành thủ tục; một số khác lại dùng số điện thoại chưa chính chủ... nên quá trình cấp tài khoản gặp khó khăn.
Vì thế, từ nay đến ngày 30/12, lực lượng công an tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích, ý nghĩa khi được cấp tài khoản ĐDĐT; giao chỉ tiêu cho đội nghiệp vụ; phối hợp với một số nhà mạng viễn thông để chuẩn hóa số điện thoại chính chủ cho công dân. Năm 2022, Bắc Giang phấn đấu cấp khoảng 396,5 nghìn hồ sơ và tài khoản ĐDĐT.
Ý kiến bạn đọc (0)