Dấu hiệu cảnh báo cơ thể bị sốc nhiệt
Ảnh minh họa. |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ hôm nay đến 19/7, nắng nóng mở rộng toàn miền Bắc do vùng thấp nóng phát triển mạnh. Nhiệt độ cao nhất 36-38 độ C, có nơi trên 39 - 43 độ. Thời tiết nắng nóng cũng nhiều người bị sốc nhiệt, mất sức... nhất là người già và trẻ nhỏ.
Bác sĩ Lê Ngọc Hà, Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, sốc nhiệt là một trường hợp cấp cứu y tế, có thể dẫn đến tử vong nên cần được xử trí, điều trị nhanh chóng. Sốc nhiệt có thể xảy ra khi cơ thể tăng nhiệt quá mức; khi mọi người tập thể dục, lao động, di chuyển trong thời tiết quá nóng và ẩm ướt mà không bù đủ dịch mất qua mồ hôi. Sốc nhiệt cũng có thể xảy ra ở những người lớn tuổi, những người có vấn đề về sức khỏe, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
Triệu chứng của sốc nhiệt là nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 40 độ C, hoặc cao hơn. Người bệnh xuất hiện triệu chứng thần kinh như lẫn lộn, khó suy nghĩ rõ ràng, bị ảo giác, đi lại khó khăn, da ửng đỏ và nóng, nôn mửa hoặc tiêu chảy, chuột rút hoặc yếu cơ, nhức đầu...
Khi một người quá nóng, họ cũng có thể bị chuột rút và kiệt sức, mất sức, ngất. Trường hợp nặng, người bệnh hôn mê, co giật, thở nhanh hoặc nhịp tim nhanh.
Nhóm nguy cơ cao khác như người lao động ngoài dưới nắng nóng với cường độ liên tục, trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 4 tuổi, người có bệnh lý tim, phổi hoặc thận, béo phì, thiếu cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, nghiện rượu, bỏng nắng và bất cứ tình trạng nào gây sốt... đều dễ bị tổn thương do nhiệt.
Theo bác sĩ Hà, phương pháp điều trị sốc nhiệt chính là làm mát cơ thể càng sớm càng tốt. Bạn có thể sử dụng quạt để thổi không khí trên da ướt, dội nước lạnh lên người hoặc cho người bị sốc nhiệt vào bồn nước đá. Người bị sốc nhiệt không hoạt động quá nhiều và cần nghỉ giải lao khi làm việc trong môi trường nóng, ẩm. Mặc quần áo rộng, nhẹ, không mặc quá nhiều lớp, bổ sung nhiều nước.
Để hạ nhiệt cơ thể, bạn có thể xịt nước mát vào người rồi ngồi trước quạt. Di chuyển vào bóng râm, đi vào tòa nhà hoặc ô tô có điều hòa nhiệt độ, hoặc cởi bớt quần áo đang mặc. Đặt một túi lạnh hoặc vải mát lên cổ, nách và bẹn.
Bên cạnh đó, người dân nên hạn chế ra ngoài trời trong khoảng thời gian 11-16 giờ. Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức. Thường xuyên nghỉ ngơi tại nơi thoáng mát sau khoảng một tiếng đồng hồ làm việc. Che chắn bằng áo, mũ, kính,... để bảo vệ làn da khi di chuyển ngoài trời.
Sử dụng điều hòa hợp lý, tuyệt đối không để dưới 26-28 độ C. Khi căn phòng đủ mát, nâng nhiệt độ lên tối thiểu 27-28 độ C.
Uống từ hai đến ba lít nước mỗi ngày để giảm sốc nhiệt, nên chọn nước lọc, trái cây hoặc nước ép rau xanh nguyên chất để bù điện giải, không uống cồn hay cà phê. Người cao tuổi cần tăng cường quản lý bệnh nền, chăm sóc cơ thể trong thời tiết nắng nóng bằng cách uống thuốc đều đặn theo đơn, duy trì đến khám định kỳ, thường xuyên liên hệ với bác sĩ.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)