Đam mê với nhà gỗ truyền thống
Vừa trở về từ lễ trao giải thưởng Lương Định Của năm 2020 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội, anh Ngọc tiếp tục nhận được nhiều lời chúc mừng của bạn bè, người thân. Ngắm nhìn Bằng khen do Thủ tướng Chính phủ, T.Ư Đoàn tặng, anh bảo: "Tôi muốn dành phần thưởng cao quý này tặng cho người sinh thành, nuôi dưỡng. Mẹ chính là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn".
Ngay sau đó, anh trở lại với công việc thường nhật, lại tất bật với những công trình dang dở ở khắp các tỉnh, TP. Nhiều công trình nhà gỗ đang hoàn thiện, chỗ nào khó anh lại xắn tay vào việc. Bởi những căn nhà gỗ đòi hỏi yêu cầu và độ chính xác cao nên việc thi công cũng phải tỉ mỉ đến từng chi tiết.
![]() |
Một căn nhà gỗ do cơ sở của anh Hoàng Văn Ngọc xây dựng. |
Anh Ngọc sinh ra và lớn lên tại xã Tiên Lục, gia đình vốn khó khăn nên anh sớm phải nghỉ học, làm thuê tại xưởng gỗ của người thân. Nhờ nhanh nhạy lại chịu khó học hỏi, anh hiểu được về nghề mộc cũng như sản phẩm từ gỗ.
Thích thú với những kiến trúc truyền thống như đình, chùa, nhà thờ và ngôi nhà cổ ở miền Bắc, anh đã tới nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình tìm hiểu kiến trúc nhà gỗ. Gặp các cao niên, anh cần mẫn hỏi, ghi chép cẩn thận. Tích lũy kiến thức học được cộng với thời gian rèn nghề, năm 2011 anh Ngọc mở cơ sở sản xuất gỗ, chuyên nhận thi công nhà gỗ với nhiều mẫu mã, kiểu dáng.
Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm quản lý nên nhiều công trình không có lãi. Thêm nữa, thợ trẻ của cơ sở chưa có tay nghề nên phải vừa làm, vừa học. Trong khi đó, hầu hết các căn nhà gỗ ấy đều bằng gỗ lim, keo, mít, hương... nên anh Ngọc vào tận các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị... để xem xét rồi đặt mua gỗ về thi công.
![]() |
Anh Hoàng Văn Ngọc cùng người thân tại lễ trao giải Lương Định Của năm 2020. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Anh Ngọc cho hay: "Khó nhất có lẽ là việc đánh giá cấu kiện của những căn nhà gỗ cổ truyền để tìm nguyên liệu thay thế, tu bổ, chỉnh sửa làm sao giữ được nét xưa, kết cấu bảo đảm".
Kiên trì, nỗ lực vượt khó, công việc của anh từng bước ổn định, cơ sở nhận được nhiều công trình, đơn đặt hàng. Hiện mỗi căn nhà gỗ cổ truyền có giá từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Để có vốn xoay vòng, anh tích cực đẩy nhanh tiến độ và phối hợp với một số cơ sở khác trong, ngoài huyện.
Là Ủy viên Ủy ban Hội LHTN xã Tiên Lục, anh Ngọc luôn tích cực trong các hoạt động, thực hiện công trình thanh niên, thắp sáng ước mơ đến trường cho thiếu nhi trên địa bàn. Năm 2020, anh đỡ đầu 2 học sinh mắc bệnh hiểm nghèo; trao tặng xe đạp, 10 suất quà cho học sinh, người nghèo trên địa bàn xã. |
Hiện, xưởng sản xuất nhà gỗ cổ truyền của gia đình anh mang lại công việc thường xuyên cho 20 thợ, hầu hết là đoàn viên, thanh niên tại địa phương, mức thu nhập trung bình khoảng 9 triệu đồng/người/tháng; doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm.
Không chỉ có vậy, trước nhu cầu vật liệu xây dựng của nhân dân ngày càng lớn, năm 2016, anh góp vốn cùng bạn thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Tân Thành chuyên cung cấp gạch xây dựng. Sau hơn một năm, nhà máy chính thức đi vào hoạt động tạo công việc cho khoảng 120 lao động với mức lương trung bình 8 triệu đồng/tháng.
Đầu năm nay, anh Ngọc tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với trang trại rộng khoảng 4 ha, đàn 11 nghìn con lợn thịt thương phẩm. Lứa lợn thịt đầu tiên chuẩn bị xuất chuồng.
Vừa qua, anh Hoàng Văn Ngọc vinh dự là một trong hai thanh niên tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV năm 2020.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)