Đài Loan (Trung Quốc) ngày càng chuộng mật ong Việt Nam
Mật ong rừng được người dân Khánh Hòa khai thác. |
Chị Oanh (Hải Dương) - đang là nhân viên xuất khẩu lao động bên Đài Loan cho biết, thời gian gần đây, người Đài Loan rất thích mật ong được nhập từ Việt Nam. Tại các chợ, siêu thị của Đài Loan, mật ong Việt đang có giá cạnh tranh hơn rất nhiều so với hàng Thái Lan.
"Ngay cả khi tôi đặt hàng từ Việt Nam gửi qua, giá thấp hơn hẳn 20% so với các sản phẩm bán tại nước này", chị Oanh nói.
Báo cáo của Cơ quan quản lý Ngoại thương Đài Loan (BOFT), năm 2021, Đài Loan đã nhập khẩu về 3,93 tấn mật ong tự nhiên từ 30 đối tác trên toàn thế giới, với kim ngạch đạt 10,57 triệu USD, tăng 2,46% về lượng so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 về nhóm mặt hàng này với 382 nghìn kg, chiếm 9,72% thị phần nhập khẩu của đảo này trong năm 2021. Xuất khẩu mật ong của Việt Nam sang Đài Loan năm ngoái tăng lần lượt 43% và 42% về lượng và giá trị so với cùng kỳ trước đó.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ mật ong của Đài Loan vẫn khá tiềm năng. Ngoài mức giá cạnh tranh, mật ong Việt cũng đang ngày càng cải thiện về chất lượng.
Để được xuất khẩu mật ong vào thị trường này, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về kiểm tra thực phẩm và sản phẩm liên quan nhập khẩu. Nhà nhập khẩu phải đăng ký kiểm tra với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA).
Mặt hàng này hiện Đài Loan dành thuế suất MFN 35% cho các đối tác là thành viên WTO.
Ngoài ra, xuất khẩu mật ong của Việt Nam qua Mỹ cũng khả quan. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, Hội Các nhà nuôi ong Mỹ liên tục nộp đơn lên DOC yêu cầu điều tra chống bán phá giá với hàng Việt. Đến cuối tháng 11/2021, DOC công bố mức thuế sơ bộ chung dành cho tất cả doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam là 412,49% - mức thuế cao này sẽ chặn đường xuất khẩu mật ong vào Mỹ - trong khi thuế suất cho các nước khác chưa đến 30%.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, DOC đã xác định biên độ phá giá cho sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam là từ 410,93-413,99% và áp mức thuế tạm thời tương ứng. Dự kiến kết luận cuối cùng sẽ ban hành vào tháng 4/2022.
Bộ Công Thương cũng khuyến nghị hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang Mỹ cần có phương án ứng phó phù hợp, tích cực phối hợp với DOC và bày tỏ quan điểm trong giai đoạn điều tra tiếp theo; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tăng cường tiêu thụ nội địa và đa dạng hóa mặt hàng, thị trường xuất khẩu trong dài hạn.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)