Đại học ồ ạt mở thêm ngành, tăng chỉ tiêu
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt một năm 2020 tại Hà Nội. |
Theo thông tin tuyển sinh 2022, Đại học Ngoại thương mở thêm ba chương trình mới gồm Marketing số, Truyền thông Marketing tích hợp (ngành Marketing) và Kinh doanh số (ngành Kinh doanh quốc tế). Trừ Truyền thông Marketing tích hợp được triển khai tại cơ sở II ở TP HCM, hai chương trình còn lại học tại trụ sở chính Hà Nội. Chỉ tiêu của trường là 4.050, tăng nhẹ so với mức 3.990 năm ngoái.
Nhà trường cho biết, việc mở thêm ngành nhằm thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số.
Tương tự, một trường kinh tế khác là Đại học Thương mại cũng dành thêm chỉ tiêu cho các ngành, chuyên ngành mới. Ở chương trình đào tạo chuẩn, trường có thêm ngành Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh), Marketing (Marketing số), Luật Kinh tế (Luật Thương mại quốc tế).
Với chương trình chất lượng cao, hai ngành dự kiến tuyển sinh mới trong năm nay là Quản trị kinh doanh và Quản trị nhân lực. Đồng thời, trường có thêm chương trình định hướng nghề nghiệp với các ngành Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Hệ thống thông tin quản lý; và chương trình tích hợp ngành Kế toán. Tổng chỉ tiêu tất cả ngành, chương trình đào tạo là 4.150, tăng 150 so với năm ngoái.
Với các trường khối Y Dược, Đại học Y Dược Thái Bình cũng tăng chỉ tiêu từ 990 lên 1.050, do từ năm 2022, trường mở thêm ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, tuyển 60 sinh viên trong năm đầu đào tạo.
Cũng dự kiến tăng chỉ tiêu nhưng mức tăng mạnh hơn là Đại học Y tế Công cộng. Theo thông báo tuyển sinh đại học chính quy 2022, chỉ tiêu dự kiến là 566, tăng hơn 100 so với năm 2021. Theo kế hoạch này, trường Y tế công cộng sẽ mở thêm ngành Khoa học dữ liệu từ năm 2022 với 50 sinh viên.
Còn ở khối kỹ thuật, sau một năm đào tạo Công nghệ tài chính (Fintech), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tiếp tục tăng thêm 300 chỉ tiêu cho năm 2022. Ngành Công nghệ Internet vạn vật dự kiến tuyển 75 sinh viên trong năm đầu, chỉ đào tạo tại cơ sở phía Nam.
Từ năm nay, học viện cũng lên kế hoạch tuyển sinh và đào tạo ngành Khoa học máy tính theo định hướng khoa học dữ liệu, chương trình chất lượng cao ngành Marketing theo định hướng Marketing số (Digital Markerting).
Với Đại học Giao thông Vận tải, năm nay cơ sở Hà Nội có 40 ngành đào tạo, tăng 6 so với mức 34 của năm ngoái. Bên cạnh chương trình chuẩn và chất lượng cao, trường còn có thêm hai chương trình liên kết quốc tế, được hai đại học tại Anh và Pháp cấp bằng, dành cho các thí sinh có IELTS 5.0 (hoặc tương đương) trở lên.
Trước đó vào tháng 12/2021, Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021-2025. So với hiện tại, danh mục này có thêm nhiều ngành mới, trong đó bậc đại học 67 ngành được quy hoạch, thạc sĩ 118 và tiến sĩ 55.
Một số ngành, chuyên ngành sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới như Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện, Quản lý đô thị và công trình (thông minh), Công nghệ tài chính và kinh doanh kỹ thuật số...
Xu hướng mở thêm ngành mới không chỉ xuất hiện tại các trường khu vực phía Bắc mà còn ở phía Nam. Việc các đại học mở nhiều ngành mới được đánh giá là xu hướng dễ hiểu. Những ngành mới đa số thuộc nhóm Công nghệ - kỹ thuật, Kinh tế - Quản trị nhưng được tích hợp yếu tố "kỹ thuật số", phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đại diện tuyển sinh của một trường đại học ở Hà Nội cho rằng việc mở thêm ngành là xu hướng tất yếu khi các đại học được trao quyền tự chủ. Chuyên gia này nhận định khi máy móc ngày càng thay thế con người ở nhiều công đoạn, các trường cần trang bị cho sinh viên các kỹ năng số, nhằm thích ứng với thời đại và làm chủ công nghệ.
Dù vậy, việc các trường ồ ạt mở ngành mới gây lo ngại về khâu kiểm định chất lượng. Những ngành mới mở với những giới thiệu hấp dẫn, dễ thu hút thí sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, người học chưa có căn cứ kiểm chứng chất lượng đào tạo những ngành này. Các yếu tố cơ hội việc làm, thu nhập, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động chưa được được đánh giá đầy đủ. "Nếu quản lý không chặt chẽ, dễ dẫn đến tình trạng đào tạo ồ ạt, lãng phí công sức của nhà trường, tiền bạc và thời gian của người học", chuyên gia này cho biết.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)