Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang): Thỏa thuận quốc tế phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp
Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế gồm 7 chương, 52 Điều. Về cơ bản đại biểu Trần Văn Lâm nhất trí báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày.
Đại biểu Trần Văn Lâm tham luận tại điểm cầu Bắc Giang. |
Về vấn đề lấy ý kiến các cơ quan chức năng quy định trong trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế, tại Chương II của dự thảo Luật quy định bắt buộc phải lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao.
Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, quy định này là cần thiết nhằm bảo đảm các thỏa thuận quốc tế được ký kết phù hợp với chính sách đối ngoại của Việt Nam trong mối quan hệ với các quốc gia khác, phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết khác của nhà nước với quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, thỏa thuận quốc tế không chỉ cần thiết, phù hợp với chính sách đối ngoại mà còn phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của pháp luật đối nội. Do đó, việc lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về tính hợp hiến, hợp pháp của thỏa thuận quốc tế cũng hết sức cần thiết, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật vấn đề này.
Về phạm vi điều chỉnh tại Khoản 1, Điều 1, ông Lâm đề nghị sửa đổi bổ sung cụ thể như sau: “1. Luật này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế” thành “1. Luật này quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế”.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, việc bổ sung cụm từ “nguyên tắc” và cụm từ “nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước” vào phạm vi điều chỉnh để bảo đảm toàn diện, bao trùm theo đúng nội dung dự thảo đã thể hiện ở các điều khoản sau. Đây cũng là những nội dung chính, rất quan trọng thể hiện xuyên suốt trong Dự thảo.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Bắc Giang. |
Ở khoản 2, khoản 3, khoản 4 của Điều 2 về giải thích từ ngữ, theo đại biểu, đây là những nội dung không mang tính chất học thuật, giải thích từ ngữ thuần túy, mà là các quy định của Luật này về thẩm quyền của một số cơ quan, tổ chức được phép ký kết và là chủ thể trong việc ký kết các thỏa thuận quốc tế.
Như vậy, không nên để nội dung này ở phần giải thích từ ngữ mà tách chuyển về Điều 9 và sửa tên Điều 9 hiện hành cho rộng hơn, bao trùm các chủ thể có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế.
Dự thảo Điều 9 hiện tại chỉ quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Các chủ thể khác lại quy định ở phần giải thích từ ngữ là chưa phù hợp.
Ý kiến bạn đọc (0)