Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang): Không nên hạn chế quyền thành lập chi nhánh của doanh nghiệp
Đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang. |
Ông Lâm lý giải, quy định giấy phép dựa trên một yếu tố biến động thường xuyên là vốn chủ sở hữu, chứ không phải vốn điều lệ. Vốn điều lệ là vốn góp khi thành lập mà các cổ đông cam kết, nó sẽ bằng vốn chủ sở hữu lúc đầu nếu các cổ đông góp đủ ngay khi thành lập.
Còn vốn chủ sở hữu là vốn thực tế còn lại sau các chu kỳ kinh doanh. Vốn điều lệ sẽ tăng nếu DN có lãi và để lại một phần lãi làm tăng vốn, sẽ giảm nếu chu kỳ kinh doanh đó lỗ. Vốn này sẽ thay đổi, biến động thường xuyên. Như vậy, hiệu lực của giấy phép căn cứ vào vốn chủ sở hữu thì sẽ phải xem xét lại định kỳ sau mỗi chu kỳ kinh doanh (thường là 1 năm).
Nếu DN nào lỗ, vốn còn lại dưới 5 tỷ đồng mà các cổ đông không góp thêm thì phải rút giấy phép. Như vậy các thủ tục hành chính sẽ rất nhiều phiền hà, phức tạp. Ông Lâm đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ quy định này. Nếu thực sự cần thiết ràng buộc trách nhiệm của các DN thì cũng không cần phải sử dụng công cụ phức tạp đến vậy, mà chỉ cần quy định mức đặt cọc cụ thể trong luật là 3 tỷ đồng hay 5 tỷ đồng. Như vậy, ràng buộc trách nhiệm sẽ rõ ràng và cao hơn.
Ở khoản 3, Điều 17 về giao nhiệm vụ cho Chi nhánh của DN dịch vụ trong Dự thảo Luật quy định “DN dịch vụ được giao nhiệm vụ cho không quá 3 chi nhánh”. Ông Lâm cho rằng, quy định như vậy chưa thuyết phục, là biểu hiện của tư duy không quản lý được thì cấm. Vấn đề ở đây là tính nghiêm minh của việc thực thi pháp luật.
Theo ông Lâm, lẽ ra DN thành lập nhiều chi nhánh thì họ phải cân nhắc năng lực quản lý của mình và chịu trách nhiệm với hoạt động của chi nhánh. Nếu họ không đủ năng lực quản lý, lập ra quá nhiều để chi nhánh vi phạm thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu chi nhánh hoạt động vi phạm thì phải xử lý nghiêm cả DN cấp trên, thậm chí dừng hoạt động, rút giấy phép DN cấp trên. Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị không nên hạn chế quyền thành lập chi nhánh của DN.
Các đại biểu dự họp trực tuyến tại điểm cầu Bắc Giang. |
Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước tại Điều 67, theo Dự thảo Luật thì tới đây, quỹ sẽ không còn sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Ông Lâm đề nghị Quốc hội cân nhắc về việc để cho tồn tại quỹ này. Theo ông Lâm, nguồn của Quỹ này chủ yếu từ đóng góp của DN và người lao động. Quỹ sẽ làm tăng chi phí, tăng gánh nặng cho người lao động. Trong khi người lao động, DN đã phải chịu nhiều chi phí để được hoạt động kinh doanh và đi xuất khẩu lao động; phải ký quỹ, đặt cọc một khoản tiền không nhỏ.
“Các vấn đề rủi ro đều đã được cân nhắc, dự phòng bằng các cơ chế khá đầy đủ, chặt chẽ; các chính sách hỗ trợ cũng đã có bằng nhiều phương thức khác. Vậy quỹ này có thực sự cần thiết hay không, trong khi chưa biết hiệu quả hoạt động ra sao thì hàng năm quỹ đã phải chi ra 10% cho hoạt động của bộ máy quản lý quỹ”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.
Ý kiến bạn đọc (0)