Đại biểu HĐND tỉnh Bắc Giang đề xuất giải pháp phát triển KT-XH
Ông Trần Phương Cương, đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lạng Giang: Quan tâm hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp
Vài năm gần đây, tỉnh đã quan tâm đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp luôn phải đối mặt với điều kiện thời tiết bất lợi, thị trường bấp bênh, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nông dân. Mặt khác, tiềm năng đất đai chưa được khơi dậy, nhiều nơi còn bỏ hoang hoặc sản xuất không hiệu quả; năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa cao.
Để đạt được mục tiêu chủ yếu của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống của người dân nông thôn một cách ổn định, bền vững, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ. Trong đó, tỉnh cần rà soát các văn bản liên quan đến hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM; sửa đổi, bổ sung những chính sách chưa phù hợp, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản. Cùng đó, củng cố và phát triển các tổ chức hợp tác của nông dân trong sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Ông Hoàng Mi Ca, đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Sơn Động: Triển khai kịp thời các chính sách an sinh, xã hội; tạo việc làm cho đồng bào vùng cao
Trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng việc thực hiện chính sách xã hội đã được UBND tỉnh, các cơ quan quan tâm và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, theo tôi, thời gian tới, công tác này cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là với các huyện miền núi, vùng cao.
Cụ thể, đối với các nguồn vốn liên quan đến chế độ chính sách cần được triển khai sớm hơn. Phải tạo ra sự đồng bộ giữa sự chỉ đạo của Trung ương về thực hiện chính sách xã hội cũng như sự phối hợp và hỗ trợ bằng nguồn vốn của tỉnh sao cho thống nhất, bảo đảm người dân và các đối tượng được thụ hưởng có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt, cần rà soát, làm mới những chính sách, quy định liên quan đến cơ sở vật chất, mức hỗ trợ cho hộ nghèo vùng cao đã được áp dụng song không còn phù hợp. Mặt khác, quan tâm thu hút đầu tư về vùng cao, tạo việc làm trực tiếp cho các lao động nghèo. Cùng đó, cần định hướng, đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho lao động nghèo sát với nhu cầu thực tế.
Ông Đặng Hồng Chiến, đại biểu HĐND tỉnh khu vực TP Bắc Giang: Minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước để phòng, chống tham nhũng
Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt và đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trong thực tế công tác này vẫn tồn tại những hạn chế, tình trạng tham nhũng chưa thực sự được ngăn chặn, đẩy lùi.
Theo báo cáo của UBND tỉnh về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, tính đến 30-11-2016, có 5 vụ việc với 6 bị cáo đã bị kết tội tham nhũng. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác này, theo tôi, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thực hiện tốt cơ chế minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để nhân dân giám sát (giám sát trực tiếp, thông qua cơ quan đại diện của nhân dân hoặc các cơ quan báo chí).
Việc minh bạch có thể thực hiện thông qua nhiều cơ chế khác nhau, tùy thuộc vào tính chất của từng loại cơ quan hoặc từng nhóm vấn đề cụ thể. Có việc phải thực hiện công khai, minh bạch trực tiếp đến người dân; có việc có thể thông qua các tổ chức đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng hoặc cơ quan dân cử. Cùng đó, xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Bà Phạm Thị Nhung, đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Yên Dũng: Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp người dân. Thực tế hiện nay, đối với người dân, cơ hội tiếp cận với pháp luật có nhiều nhưng cách thức tiếp cận còn chưa được phong phú.
Để từng bước đưa pháp luật đến với người dân, chúng ta cần lựa chọn hình thức phổ biến, tuyên truyền đa dạng, lồng ghép với nhiều hoạt động cụ thể để họ hiểu những quy định của pháp luật ở từng lĩnh vực sao cho hấp dẫn, dễ nhớ, dễ vận dụng. Khi được tuyên truyền nhiều, người dân sẽ hiểu và chấp hành.
Chẳng hạn như tuyên truyền, phổ biến thông qua tiếp công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; lồng ghép sinh hoạt chuyên đề, văn hóa văn nghệ ở thôn, tổ dân phố, hoạt động của tổ hòa giải, trợ giúp pháp lý... Chúng ta không tham vọng triển khai toàn bộ các nội dung văn bản pháp luật tới cộng đồng dân cư; làm như vậy, người dân sẽ rất khó tiếp cận.
Công Doanh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)