“Cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung: Bước hòa hoãn bất ngờ của chính quyền Tổng thống Donald Trump
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng. |
Cho dù không nhận được cam kết cụ thể của Trung Quốc về số lượng hàng hóa sẽ mua của Mỹ nhằm giảm cán cân thâm hụt thương mại, nhưng việc Mỹ tạm gác kế hoạch thực thi vòng áp thuế quan đầu tiên đối với 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc được xem là bước hòa hoãn bất ngờ của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Vòng đàm phán thứ hai giữa Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc - Phó Thủ tướng Lưu Hạc với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Wilbur L. Ross, cùng một số quan chức khác trong chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa diễn ra tại trụ sở Bộ Tài chính Mỹ với trọng tâm xoay quanh việc cắt giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ và thúc đẩy Trung Quốc cải thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Các cuộc đàm phán với Bắc Kinh diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với ông Donald Trump, chỉ vài tuần trước khi ông dự kiến gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để đàm phán về vấn đề hạt nhân của nước này. Trong khoảng một tháng qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã hai lần tới Trung Quốc để thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình. Một số quan chức chính quyền nói họ tin rằng Trung Quốc đang dùng ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên làm "đòn bẩy" để buộc Tổng thống Donald Trump không đưa mối quan hệ giữa hai nước càng thêm căng thẳng.
Năm ngoái, tổng thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc là 375,2 tỷ USD. Trung Quốc ngỏ ý sẽ tìm hướng thu hẹp khoảng cách này bằng cách mua thêm đáng kể nông sản của Mỹ, trong đó có đậu tương cũng như hàng bán dẫn và khí đốt. Ngoài ra, có thể Trung Quốc sẽ hứa hẹn mở cửa một số lĩnh vực của nền kinh tế để nhận đầu tư nước ngoài như ngân hàng và bảo hiểm. Đổi lại, Trung Quốc tìm cách gây áp lực buộc Mỹ phải bãi bỏ những lệnh trừng phạt đối với tập đoàn viễn thông khổng lồ ZTE và nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vốn ngăn chặn các công ty Mỹ bán công nghệ nhạy cảm cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới kinh tế cho rằng việc bắt Trung Quốc mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ mỗi năm - con số tương đương hơn một nửa thâm hụt mậu dịch hàng năm của Mỹ với Trung Quốc - đơn giản là không thực tế. Ông Chad Bown, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói: "Nói một cách ngắn gọn, đây là những con số phi thực tế". Theo ông này, ngay cả khi Trung Quốc ngừng mua các sản phẩm nước ngoài khác, như máy bay Airbus của Liên minh châu Âu hay đậu tương của Brazil và chỉ mua sản phẩm Mỹ, thì điều này cũng chỉ là một phần nhỏ của tổng số tiền 200 tỷ USD. Ông cho rằng "thậm chí cố gắng lắm họ cũng chỉ có thể nhập khẩu thêm được số hàng hóa trị giá 50 tỷ USD".
Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ đang hoạt động gần hết công suất của mình, có nghĩa là nước này sẽ không thể sản xuất thêm đủ số lượng hàng hóa mới để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc, nhất là trong ngắn hạn. Nếu muốn đáp ứng kịch bản trên, Mỹ có thể phải ngừng bán máy bay, đậu tương và các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt cho các quốc gia khác và thay vào đó bán cho Trung Quốc. Như vậy là thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc sẽ co hẹp song với toàn thế giới lại không thay đổi.
Sức ép giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đang lớn hơn bao giờ hết khi Cơ quan Hải quan Trung Quốc gần đây thông báo thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 4-2018 tăng lên 22,19 tỷ USD, so với mức 15,43 tỷ USD trong tháng 3-2018. Tính chung trong 4 tháng đầu năm nay thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ là 80,4 tỷ USD (so với 71 tỷ USD cùng kỳ năm trước). Đây cũng chính là lý do chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump thời gian qua bề ngoài tỏ ra hết sức gay gắt với Bắc Kinh và đe dọa khởi động chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này.
Tuy nhiên chính quyền Mỹ chắc chắn hiểu rằng các hàng rào thuế quan mà Mỹ dựng lên đối với hàng hóa và dịch vụ sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt của Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo “sử dụng mọi biện pháp thích đáng để kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”.
Bị cuốn vào sự ầm ĩ từ những cáo buộc nhắm vào Trung Quốc của Mỹ, hầu như ít ai chú ý đến hậu quả tiềm tàng khi Trung Quốc trả đũa. Việc áp đặt thuế quan dành cho hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ Trung Quốc thực chất cũng sẽ tương đương với việc tăng thuế đối với người tiêu dùng Mỹ. Đơn giá công lao động Trung Quốc chưa bằng 1/5 so với các nguồn cung ứng nước ngoài khác của Mỹ. Bằng việc đẩy nhu cầu của người dân Mỹ ra khỏi thương mại với Trung Quốc, chắc chắn giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng mạnh. Nguy cơ giá nhập khẩu đắt đỏ hơn và hiệu ứng lan tỏa tiềm tàng về lạm phát sẽ đánh mạnh vào tầng lớp công nhân trung lưu Mỹ, những người đã phải đối mặt với hơn ba thập niên tiền lương thực tế không tăng.
Hành động thương mại chống lại Trung Quốc có thể dẫn tới lãi suất tại Mỹ cao hơn. Người nước ngoài hiện sở hữu khoảng 30% số trái phiếu kho bạc Mỹ, với số liệu chính thức gần đây nhất cho thấy Trung Quốc sở hữu tới 1.150 tỷ USD vào tháng 6-2017. Nếu xuất hiện hàng rào thuế quan mới của Mỹ, dường như có lý do để tin rằng Trung Quốc sẽ đáp trả bằng cách giảm việc mua (trái phiếu) lại, tăng cường chiến thuật đa dạng hóa tài sản bằng cách giảm các tài sản định danh bằng đồng USD đã được thực hiện trong ba năm qua. Trong kỷ nguyên thâm hụt ngân sách Mỹ vẫn lớn - thậm chí có thể sẽ còn tăng cao hơn sau thảm họa cắt giảm thuế và các sáng kiến chi tiêu của chính quyền Tổng thống Donald Trump, sự thiếu hụt nguồn cung đối với trái phiếu kho bạc từ chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất có thể tạo nên áp lực làm chi phí đi vay của Mỹ tăng cao.
Suy cho cùng, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với nước Mỹ gần như là hậu quả của việc tiết kiệm nội địa thấp ở Mỹ. Thúc đẩy các chính sách khuyến khích nền kinh tế không tiết kiệm và vung tay quá trán có nghĩa thâm hụt thương mại gia tăng là điều hiển nhiên. Thực tế, không chỉ riêng với Trung Quốc, Mỹ đang chịu thâm hụt thương mại với khoảng 100 quốc gia trên thế giới.
Thanh Bình
Ý kiến bạn đọc (0)