"Của để dành" của ông bà Nghệ
Nhịn ăn, nhịn mặc nuôi con
Ông Nghệ (trái) trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy các con với ông Phạm Đức Sáu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học huyện Hiệp Hòa. |
Năm 1967, ông Nguyễn Công Nghệ và bà Ngô Thị Nga nên duyên vợ chồng. Trong 10 năm, ông bà lần lượt sinh 7 người con (5 trai, hai gái). Nhà đông con nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Dù nhận hơn một mẫu ruộng khoán nhưng mỗi năm lượng thóc thu về chỉ đủ ăn và phục vụ chi tiêu trong hơn 6 tháng. Để có đủ lương thực trong thời gian còn lại, ông bà phải làm đủ việc, từ chăn nuôi gia súc, gia cầm đến đi làm thuê, chạy chợ buôn bán nông sản... "Không khi nào tôi ngưng tay làm việc, nhiều khi chỉ tranh thủ lúc mệt mới ngủ, còn cứ thức là làm. Có hôm đi chợ, đạp xe cả ngày ròng rã nhưng bà ấy cũng chỉ dám lót dạ cái bánh mỳ. Đói, mệt nhưng bà ấy không dám ăn mà dành tiền lãi đong gạo nuôi con", ông Nghệ tâm sự. Cũng theo ông, làm quần quật như vậy nhưng nhà vẫn không đủ gạo ăn, nhiều thời điểm phải độn thêm sắn, khoai lang. Nhìn các con ăn uống thiếu thốn, nhiều lần hai vợ chồng nhìn nhau ứa nước mắt rồi "bụng bảo dạ" tích cực lao động hơn nữa lấy gạo nuôi các con.
Ăn đã vậy, việc mặc cũng thế. Quần áo đâu có nhiều, mỗi đứa con chỉ có một hai bộ lành lặn để đi học và diện vào ngày lễ, Tết. Bản thân ông Nghệ suốt thời gian dài không dám mua sắm quần áo mới, mọi thứ cho bản thân đều rất hạn chế. Thấy bố mẹ vất vả, nhiều lần mấy anh em bảo nhau nghỉ học để đỡ đần nhưng ông bà đều không cho. Biết các con thương bố mẹ, cứ lúc rảnh rỗi ông lại bảo ban, động viên các con cố gắng học tập thật tốt. "Học giỏi là cách giúp bố mẹ tốt nhất. Tôi thường nói với các con như vậy và chúng đều nghe theo", ông Nghệ nói.
Nghe lời bố mẹ, các con ông rất tự giác trong học tập. Cả 7 anh em đều thương yêu, đùm bọc nhau. Sách giáo khoa anh trên chuyển em dưới, tất cả chung một cuốn vì thế ai cũng có trách nhiệm giữ gìn để người sau sử dụng thuận lợi. Không chỉ chịu khó học tập, giữ gìn sách vở, các con ông bà đều chịu khó lao động giúp bố mẹ.
Thành quả đáng tự hào
Gia đình ông Nghệ nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp khuyến học. |
Dù học tập trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng cả 7 người con của ông bà đều học rất giỏi. Anh Ngô Văn Lưỡng, Chủ tịch Hội khuyến học xã Hương Lâm cho biết: Gia đình ông Nghệ là một trong những gia đình tiêu biểu nhất trong phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương. 7 người con của ông bà đều có thành tích học tập tốt. Các anh Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Văn Quyền luôn là những học sinh xuất sắc của địa phương trong những kỳ thi học sinh giỏi các cấp.
Qua thời gian, lần lượt các con ông bà đều thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học với điểm số cao. Nổi bật là anh Nguyễn Văn An, trong kỳ thi vào Đại học Pháp lý (nay là Đại học Luật Hà Nội) đứng trong tốp ba sinh viên có điểm đầu vào cao nhất. Anh Nguyễn Văn Toàn cũng trong tốp 10 thí sinh có điểm thi cao nhất vào Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội). Trong 7 anh em chỉ duy nhất chị Nguyễn Thị Năng vì muốn trở thành giáo viên nên học tại Trường Cao đẳng sư phạm Ngô Gia Tự Bắc Giang (nay là Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự). Hiện chị Năng đã hoàn thành chương trình đại học và là giáo viên Trường THCS Dĩnh Kế (TP Bắc Giang).
"Gia đình ông bà Nghệ không chỉ hiếu học mà còn tấm gương tiêu biểu trong công tác khuyến học. Hằng năm, gia đình đều đóng góp kinh phí ủng hộ quỹ khuyến học tại địa phương và được xã, huyện khen thưởng"- Ông Phạm Đức Sáu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học huyện. |
Trong thời gian học ở các trường chuyên nghiệp, cả 7 người con của gia đình đều có thành tích học tập rất đáng tự hào. Anh cả Nguyễn Văn An, sau khi tốt nghiệp đại học đã giành được học bổng bảo vệ cao học tại Liên Xô. Năm 1998, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Luật tại nước bạn. Tiếp đó, anh Nguyễn Văn Toàn, với thành tích xuất sắc thời sinh viên, sau khi tốt nghiệp anh được tiếp nhận làm giảng viên tại Học viện Chính trị Quân sự. Năm 2013, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Nhân học. Còn anh Nguyễn Văn Quyền, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp về công tác tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. Năm 2016, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Đảng.
Điều hạnh phúc đối với ông bà là không chỉ thành đạt trong cuộc sống, các con ông đều rất hiếu thuận và quan tâm đến bố mẹ. Căn nhà ba gian nuôi dưỡng các con vẫn được gìn giữ nguyên vẹn đến nay để làm nơi sum họp cho đại gia đình trong dịp lễ, Tết. Được biết, hiện gia đình ông bà còn có con dâu (vợ anh An) cũng có học vị tiến sĩ; chị Nguyễn Thị Loan, con gái thứ 6 có bằng thạc sĩ chuyên ngành Tài chính và Nguyễn Thị Mai Anh (con anh An) đang học chương trình tiến sĩ tại Anh.
Thanh Hải
Ý kiến bạn đọc (0)