Công nghệ cao đã thấm sâu hơn vào nông nghiệp
Quản lý trang trại từ xa
Gia đình ông Hoàng Đình Quê, thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) là hộ chăn nuôi đầu tiên của tỉnh tham gia đề án “Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho chủ trang trại, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang góp phần thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là đề án), do Hội Nông dân (HND) tỉnh triển khai đầu năm 2022. Ông Quê được lắp đặt và chuyển giao công nghệ vận hành hệ thống cho ăn, uống nước tự động; các hệ thống cảm biến; phần mềm và camera giám sát trong chuồng nuôi. Kết nối, sử dụng các ứng dụng của phần mềm MCA (phần mềm này do HND tỉnh là chủ đầu tư thực hiện) để quản lý sản xuất, giới thiệu sản phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản. Tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 40%, ông Quê đối ứng 60%.
Được biết, hệ thống cảm biến tự động, cảnh báo, điều chỉnh nhiệt độ sau khi cài đặt giúp người nuôi duy trì nhiệt độ trong chuồng ổn định theo ý muốn, phù hợp với từng giai đoạn tuổi của vật nuôi. Ví như, khi nhiệt độ trong chuồng tăng cao thì hệ thống cảm biến sẽ tự bật máy làm mát và hệ thống quạt gió hạ nhiệt độ trong chuồng. Ngược lại, khi nhiệt độ xuống thấp thì cảm biến sẽ ngắt hoàn toàn hệ thống làm mát, bật đèn sưởi nâng nhiệt độ trong chuồng. Hệ thống cảm biến cũng tự thông báo đến điện thoại, người dùng có thể điều khiển toàn bộ các quy trình trên điện thoại thông minh.
Khách tham quan mô hình nông nghiệp thông minh tại trang trại của gia đình ông Hoàng Đình Quê. |
Ông Quê cho biết, khi chưa lắp đặt hệ thống dẫn thức ăn, nước uống tự động cho vật nuôi, hằng ngày, công nhân trong trang trại phải vận chuyển hàng tấn cám đi các chuồng cho lợn, vịt ăn. Ngoài ra còn phải phối, trộn cám rất tốn công sức mà cám trộn lại không đều, ảnh hưởng đến sinh trưởng của đàn vật nuôi. Nay nhờ có hệ thống cho ăn tự động, công nhân chỉ đổ thức ăn từ bao vào bồn chứa lớn rồi ấn nút điều khiển (hoặc điều khiển bằng điện thoại thông minh), máy sẽ tự động chuyển cám qua các ống dẫn đến máng thức ăn trong từng ô chuồng. “Trang trại của tôi nuôi 4,8 nghìn con lợn và 3,6 vạn con vịt thương phẩm/năm, với 6 chuồng nuôi lợn và 1 chuồng nuôi vịt. Trước đây mỗi chuồng nuôi cần 2 nhân công, nhờ ứng dụng công nghệ mới nay chỉ cần 1 người”, ông Quê nói.
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng hơn 760 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, hàng trăm cánh đồng mẫu có liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Trong đó có 332 mô hình trồng trọt, 200 mô hình chăn nuôi, còn lại là các mô hình thủy sản, lâm nghiệp. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. |
Cùng đó, ông còn sử dụng chế phẩm sinh học HTMAXigest vào chăn nuôi 600 con lợn và 1,2 vạn con vịt thương phẩm. Đây là chế phẩm xuất xứ từ Hoa Kỳ, có chứa các Enzyme giúp vật nuôi hấp thu thức ăn tốt, kháng bệnh, tăng năng suất, giảm thời gian và chi phí chăn nuôi… Đặc biệt, chế phẩm này giúp giảm mùi hôi từ chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo cách tính của ông Quê, khi sử dụng chế phẩm HTMAXigest sẽ giảm 10% lượng thức ăn chăn nuôi (trên đàn lợn), giảm hơn 10% (trên đàn vịt), tương ứng với 260 nghìn đồng/con lợn (theo giá hiện tại).
Theo ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có hơn 100 gia trại và trang trại tại hơn 30 xã sử dụng sản phẩm HTMAXigest . Trang trại của ông Hoàng Đình Quê là cơ sở đầu tiên trong tỉnh áp dụng CNTT trong chăn nuôi. Theo đề án, đến năm 2025, HND tỉnh sẽ xây dựng 8 mô hình ứng dụng nông nghiệp thông minh trong lĩnh trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho các chủ trang trại, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Xây dựng cánh đồng mẫu ứng dụng CNC
Trong cuộc cách mạng 4.0, việc ứng dụng CNC, áp dụng các giải pháp chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp trở thành xu hướng tất yếu. Trong lĩnh vực trồng trọt cũng có nhiều mô hình CNC. Nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào, năm 2018, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp CNC G.O.C (gọi tắt là HTX G.O.C). HTX thuê hơn 10 ha đất nông nghiệp và hướng tới mở rộng lên 50 ha tại xã Ngọc Thiện (Tân Yên). Việc làm này nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến xuất khẩu. Ngoài xây dựng khu nhà màng 2 nghìn m2, diện tích đất còn lại, HTX cho san gạt thành cánh đồng mẫu liền thửa để đưa cơ giới và CNC vào sản xuất. HTX đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua 1 máy cày đa năng, máy bơm và hệ thống tưới nước tự động cho toàn bộ 10 ha.
Anh Nguyễn Ngọc Mẫn, đại diện HTX G.O.C cho biết, sản phẩm chính của HTX là dưa chuột Nhật bao tử và dưa chuột Nhật to. Bình thường đơn vị phải sử dụng khoảng 15 lao động/ha cho việc tưới nước và bón phân thủ công, với mức thù lao 150 nghìn đồng/ngày. Nay chỉ cần 1 người vặn vòi là nước (đã hòa phân bón) chảy đến từng gốc cây. Khi sử dụng máy cày đa năng để làm đất, chỉ cần 3 lao động/ha/ngày, thay vì hàng chục người như trước đây. Nhờ ứng dụng CNC trong sản xuất, HTX G.O.C đã giảm chi phí thuê hàng chục nhân công, rút ngắn khâu làm đất, chăm sóc nên mỗi năm trồng được 3 vụ dưa, tổng sản lượng 1,2 nghìn tấn, doanh thu hơn 10 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với phương thức sản xuất thông thường, bảo đảm nguồn cung ổn định cho chế biến.
Anh Nguyễn Ngọc Mẫn hướng dẫn công nhân sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai, nhân rộng “Đề án phát triển tự động hóa trong nuôi thủy sản thâm canh giai đoạn 2021-2025”. Gia đình ông Trần Đình Hoàn, thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan (Việt Yên) là một trong những hộ tham gia. Ông đã đầu tư bài bản, từ cứng hóa bờ ao, làm hệ thống cấp nước, tiêu nước, máy sục, máy quạt nước tạo oxy, máy cho cá ăn tự động, camera giám sát,… tích hợp điều khiển qua điện thoại đến các ao nuôi gối vụ. Vì vậy, năng suất cá của gia đình ông đạt hơn 18 tấn/ha/vụ/8 tháng nuôi, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng hơn 760 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, hàng trăm cánh đồng mẫu có liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Trong đó có 332 mô hình trồng trọt, 200 mô hình chăn nuôi, còn lại là các mô hình thủy sản, lâm nghiệp. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích ứng dụng CNC trong mô hình nhà màng đạt từ 700 triệu đến hàng tỷ đồng/ha/năm. Nhiều nông sản trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh, mở ra hướng sản xuất mới, hiệu quả.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)