Cơ cấu lao động ở Hiệp Hòa: Chuyển nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ
Ly nông không ly hương
Sau khi sử dụng máy cắt các thanh nhôm theo kích thước, anh Đinh Văn Hùng (SN 1991), thôn Khúc Bánh, xã Thường Thắng quay sang lắp ghép theo mẫu. Gần một tiếng đồng hồ, 6 khung cánh bộ cửa đã hình thành. “Bộ này tôi làm cho khách ở thị trấn Thắng. Họ đặt làm cho cả căn nhà 3 tầng gồm cửa chính, phụ và hệ thống tủ bếp. Với 4 lao động làm việc tích cực cũng phải đến cuối tháng 10 mới hoàn thiện toàn bộ công trình”, Hùng nói.
Cơ sở sản xuất của anh Đinh Văn Hùng, xã Thường Thắng. |
Được biết, học xong phổ thông, dù gia đình làm nông nghiệp nhưng Hùng không theo mà quyết định lên TP Thái Nguyên học nghề làm nhôm kính. Sáng dạ lại chịu khó, hơn 6 tháng học hỏi, anh đã tự làm tất cả các công đoạn từ cắt, khoan, dán keo, ép kính...
Tuy nhiên, để nâng cao tay nghề và am hiểu bí quyết thu hút khách hàng, anh quyết định ở lại làm cùng chủ xưởng. Sau gần 5 năm, tay nghề cứng cáp và có chút kinh nghiệm thương trường, anh xin ông bà chủ nghỉ việc về quê mở xưởng. Nhờ có tay nghề, sản phẩm làm ra đẹp, chắc chắn nên cửa hàng nhanh chóng được khách hàng tìm đến. Làm suốt ngày không hết việc, anh tuyển thêm lao động. Hiện hằng tháng cơ sở nhôm kính này bảo đảm việc làm cho 4 lao động với mức lương bình quân 8-9 triệu đồng/người/tháng. Bản thân anh có mức thu nhập cao hơn. Từ làm nghề, gia đình có điều kiện xây dựng nhà ở và sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
Cũng như anh Hùng, sau khi học xong phổ thông, chị Nguyễn Thị An (SN 1989), thôn Quyết Thịnh, xã Đức Thắng cũng rời bỏ đồng ruộng đi học nghề may mặc. Do khéo tay, lại có óc sáng tạo nên chị nhanh chóng am hiểu các công đoạn của nghề may. Đầu quân làm việc tại Công ty cổ phần may xuất khẩu Hà Phong, trụ sở ở xã Đoan Bái, chị nhanh chóng được quản đốc tín nhiệm và giao phụ trách dây chuyền. Hiện với cương vị tổ trưởng bộ phận may, chị có mức thu nhập bình quân từ 12-13 triệu đồng/tháng.
Đây chỉ là hai trong số hơn 20.000 lao động của Hiệp Hòa đã chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và các ngành nghề khác trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay.
Bảo đảm cơ cấu lao động hợp lý
Thống kê của bộ phận chức năng, hiện toàn huyện Hiệp Hòa có 101.930 người trong độ tuổi lao động, trong đó có 42.331 lao động làm nông nghiệp, chiếm 41,5%. Lao động dịch chuyển năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, giai đoạn 2011-2012, mỗi năm chỉ có gần 2.000 người thì đến giai 2016 -2017, mỗi năm gần 4.000 người tìm việc làm mới ở khu vực công nghiệp. Lao động trong độ tuổi thanh niên có sự chuyển dịch mạnh nhất. Toàn huyện có 42.000 người (từ 16-30 tuổi) thì chỉ còn 7.000 người làm nông nghiệp, số còn lại làm công nhân và các ngành nghề khác.
Để có được kết quả trên, cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng của huyện đã tích cực vào cuộc tuyên truyền và định hướng việc làm cho mọi người, nhất là đối tượng trẻ. Cùng đó tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Phối hợp với doanh nghiệp tạo việc làm cho số đã được học nghề. Huyện làm tốt công tác cải cách hành chính, xúc tiến thương mại để thu hút doanh nghiệp vào địa bàn. Ở mỗi xã, thị trấn lại có cách làm sáng tạo trong quy hoạch đất đai; bố trí cơ cấu sản xuất; ưu tiên nguồn lực... Vì vậy đã duy trì và phát triển nghề truyền thống như may mặc, cơ khí, nề, mộc… Chỉ tính riêng nghề mộc, toàn huyện hiện có hơn 2.200 xưởng, tập trung ở các xã Mai Đình, Châu Minh, Đông Lỗ, Lương Phong, giải quyết việc làm cho gần 10.000 người.
Lao động chuyển dịch sang công nghiệp, dịch vụ đã thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp. Đã xuất hiện nhiều trang trại sản xuất hàng hóa. Điển hình như trang trại nuôi gà của ông Võ Văn Minh (Hùng Sơn); nuôi cá của ông Nguyễn Văn Tỉnh (Thái Sơn); nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Tứ (Lương Phong)… Thu nhập ở các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ đều tăng và bền vững. Đời sống người dân ngày càng phát triển. Bình quân mỗi năm toàn huyện giảm gần 1.000 hộ nghèo (điều tra năm 2017, huyện còn 6,11% hộ nghèo).
“Đa số lao động chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp đều tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Đây là yếu tố cơ bản bảo đảm an sinh xã hội bền vững nhất hiện nay. Đồng thời tạo ra một bộ phận lao động có tay nghề, năng động đáp ứng yêu cầu quá trình hội nhập. Thời gian tới, huyện sẽ phấn đấu một cơ cấu lao động hợp lý, với người làm nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 30%”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tạ Việt Hùng.
Thanh Hải
Ý kiến bạn đọc (0)