Chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng hiệu quả thi hành pháp luật
Chủ trì tại điểm cầu T.Ư có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lê Thành Long, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các Thứ trưởng Bộ Tư pháp .
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.
Với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa”, năm 2022, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp đã hoàn thành 137 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, không có nhiệm vụ quá hạn, chưa hoàn thành.
Toàn ngành rà soát gần 28 nghìn văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, đề xuất thay thế, bãi bỏ, sửa đổi gần 6 nghìn văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH. Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp đầu tư quốc tế; đóng góp nhiều ý kiến xây dựng hệ thống các luật.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Ngành Tư pháp tập trung cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, Bộ Tư pháp được đánh giá đứng đầu chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ. Một số địa phương làm tốt công tác này như Bắc Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bình Định, Ninh Bình…
Bộ Tư pháp đã phối hợp các bộ, cơ quan liên quan tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện ba đề án lớn gồm: Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”; Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật” và Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”.
Thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã hoàn thành 7/7 nhiệm vụ và các nhiệm vụ phát sinh về hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư…
Các mặt công tác khác cũng đạt nhiều kết quả nổi bật. Qua thống kê, hiện cả nước có 9.938 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 93,5%). Tỷ lệ hòa giải thành trung bình cả nước đạt 81,85% (cao hơn 1,62% so với năm 2021).
Năm 2022, tỉnh Bắc Giang tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của T.Ư, đặc biệt là của Bộ Tư pháp. Công tác tư pháp của tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật.
Điểm nhấn là Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tham mưu Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 14/10/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn. UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản như ban hành các nghị quyết, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát. Năm qua, Sở Tư pháp vinh dự được Bộ Tư pháp xếp loại xuất sắc, đứng thứ 4/63 tỉnh thành.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh đề nghị Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục quán triệt và triển khai, thực hiện kịp thời, đồng bộ các chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến lĩnh vực tư pháp; tham mưu thực hiện thực chất, hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức, thi hành pháp luật, nhất là trong tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế; kiên quyết tránh tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nhằm phục vụ tốt nhất cho các cá nhân, tổ chức; chú trọng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính đã được Quốc hội giao. Thực hiện có hiệu quả chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Với vai trò là cơ quan đại diện pháp lý của Chính phủ trong giải quyết các tranh chấp quốc tế, Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện cơ chế để Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất. Đồng thời, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực.
Tin, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)