Chiến thắng Điện Biên Phủ: Biểu tượng về ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam
BẮC GIANG - Không phải ngẫu nhiên mà danh từ “Điện Biên Phủ” lại có tên trong "Từ điển bách khoa quân sự thế giới". 70 năm trước, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại mở màn, cũng là lúc cuộc xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp kéo dài gần 1 thế kỷ trên đất nước ta đi vào hồi kết.
Các chiến sĩ thi đua của Mặt trận Điện Biên Phủ mang theo tin thắng trận về chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1954). Ảnh tư liệu |
56 ngày đêm chiến đấu khốc liệt và gian khổ sau đó đã đưa dân tộc Việt Nam lên đỉnh cao của chiến thắng, khiến cụm từ "Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ" trở thành biểu tượng sáng ngời đối với các dân tộc thuộc địa trên thế giới, thúc giục nhiều dân tộc bị áp bức vùng dậy “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Sau 9 năm kháng chiến với tinh thần "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", sức mạnh của dân tộc Việt Nam và của thời đại đã hội tụ về Ðiện Biên Phủ để làm nên một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đuổi quân đội viễn chinh Pháp ra khỏi bán đảo Ðông Dương, mở đầu sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Bởi lẽ đó, Chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam đến nay được thế giới hết lòng ca ngợi.
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà sử học Pháp Alain Ruscio nhấn mạnh giá trị lịch sử của sự kiện này cho đến ngày hôm nay. Ông Ruscio từng là phóng viên báo L'Humanité (Nhân đạo) của Pháp tại Việt Nam, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về thời kỳ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương và chiến tranh Đông Dương. Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách về Điện Biên Phủ như "Chiến tranh Đông Dương của Pháp", "Võ Nguyên Giáp, một cuộc đời", "Điện Biên Phủ - Huyền thoại và hiện thực"...
Nhà sử học Ruscio cho biết, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945, Người đã kết hợp thành công sức mạnh của lòng yêu nước và khát vọng của nhân dân mong muốn thoát khỏi chế độ thực dân Pháp, đồng thời cũng là khát vọng xã hội, trong đó chủ nghĩa xã hội là hiện thân. Để làm được điều này, Người đã thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, do những người cộng sản lãnh đạo, trong đó đi đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh...
Theo ông Ruscio, điều này đã mở ra một hướng đi đúng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, thể hiện tư duy chính trị vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là gắn kết toàn dân tộc với cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, đồng thời cũng là giải phóng xã hội.
Ông Ruscio cho rằng hướng đi này tạo nên nét đặc trưng của Việt Nam, không giống ở các nước khác như Ấn Độ, Indonesia hay Myanmar. Chính quyền Pháp khi đó lúc đầu nghĩ rằng họ có thể đè bẹp phong trào giành độc lập của Việt Nam. Nhưng họ đã không ngờ phải đối mặt với một lực lượng đông đảo người dân Việt Nam ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng. Từ đó, thực dân Pháp đã lún sâu vào những thất bại ngày càng lớn hơn, bắt đầu từ chiến dịch biên giới Thu Đông 1950 và kết thúc bằng Điện Biên Phủ.
Tướng De Castries bị bắt sống ngày 7/5/1954 tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. |
Tròn bảy thập kỷ đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam quật cường, bất khuất. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Hành trình này cũng không dễ dàng đối với quân và dân Việt Nam khi phải đối mặt với một quân đội Pháp rất hiện đại và hùng mạnh, lúc bấy giờ được Mỹ hỗ trợ. Theo ông Ruscio, cùng với sự ủng hộ từ các nước xã hội chủ nghĩa, Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 là chiến thắng của nhân dân Việt Nam, được dẫn dắt bởi tầm nhìn xa về chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ có tác động mạnh mẽ đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của các dân tộc trên thế giới. Đây là khẳng định của Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Brazil-Việt Nam, ông Pedro De Oliveira. Ông Oliveira nhấn mạnh, nhờ nguồn cổ vũ, động viên từ chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trước quân đội Pháp, trong giai đoạn 1954 đến cuối những năm 60 của thế kỷ trước, hơn 40 dân tộc giành được độc lập từ chế độ thực dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến vai trò lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là tầm nhìn, nhãn quan chiến lược tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò chỉ huy chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc đấu tranh vũ trang với sự tham gia của toàn thể nhân dân bị áp bức.
Ông Oliviera, người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: “Đấu tranh kháng chiến phải tính đến thế mạnh, thời cơ, điều kiện địa hình, khí hậu và sự đoàn kết của toàn dân. Yếu tố cuối cùng này là cơ bản do lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, ý thức chính trị và tổ chức đã trở thành bức tường thép thực sự của dân vtộc Việt Nam chống lại kẻ thù”. Theo ông Oliviera, Chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cổ vũ, động viên cho nhiều dân tộc thuộc địa trên thế giới bởi Việt Nam đã thể hiện khả năng của một dân tộc nhỏ bé với vũ khí thô sơ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh đối đầu với một đế quốc thực dân hùng mạnh và được trang bị vũ khí tối tân.
Học giả Thái Lan Songrit Pongern cho rằng, chính những tính cách làm nên hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giúp Việt Nam làm nên chiến thắng này. Theo học giả Songrit, Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện mà ở thời điểm đó đã khơi dậy và khích lệ cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới, với mô hình cụ thể từ sự đoàn kết giữa Việt Nam, Lào, Campuchia để có thể giành được thắng lợi chung trước các siêu cường như Pháp, Mỹ sau này. Ông cũng tin rằng người Việt Nam vẫn giữ được niềm tự hào này cho đến ngày nay, đó là lòng yêu nước và giữ vững độc lập dân tộc.
Truyền thông thế giới những ngày này một lần nữa ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ, gọi đây là chiến thắng "lịch sử, quý báu", đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử thuộc địa và cổ vũ phong trào độc lập trên thế giới. Báo Le Soir của Bỉ đã đăng bài viết về sự kiện Điện Biên Phủ với tiêu đề “Trải nghiệm: Điện Biên Phủ, sự kết thúc của một thế giới”. Theo bài viết, cách đây 70 năm, chủ nghĩa thực dân đã chịu thất bại tại Điện Biên Phủ, được kết thúc bằng một trong những trận đánh quyết định của thế kỷ XX.
Ngoài sức mạnh của vũ khí, cuộc chiến này tạo ra động lực mạnh mẽ cho tất cả các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp thế giới. Báo Le Monde của Pháp nhắc lại lịch sử, theo đó Chiến thắng Điện Biên Phủ đã dẫn đến sự chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền miền Bắc - Nam theo vĩ tuyến 17. Điều này cũng mở ra hai thập kỷ chiến tranh, cuối cùng kết thúc với thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam năm 1975 và thống nhất đất nước.
Báo L'UNIONE SARDA của Italy viết: "Trận chiến Điện Biên Phủ diễn ra vào năm 1954 giữa quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương và lực lượng Việt Minh do Tướng Giáp chỉ huy. Đây là trận chiến quyết định của Chiến tranh Đông Dương, kết thúc với chiến thắng toàn diện của Việt Minh và sự đầu hàng của lực lượng Pháp bị bao vây trong vùng lòng chảo Điện Biên Phủ. Kết quả của trận chiến ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán giữa hai bên khi đó đang diễn ra tại hội nghị Geneva, dẫn đến sự kết thúc của chiến tranh và việc ký kết các hiệp định hòa bình vào ngày 21/7/1954, theo đó Pháp phải chấp nhận rút quân khỏi toàn bộ Đông Dương".
Chiến thắng tại Điện Biên Phủ đánh dấu sự chấm dứt gần 100 năm Việt Nam là thuộc địa của Pháp, đồng thời cũng báo hiệu sự kết thúc của đế chế Pháp trên phạm vi thế giới. Việt Nam chứng tỏ rằng nếu một quốc gia quyết tâm đứng lên, quốc gia ấy rất mạnh mẽ; yếu có thể thắng mạnh nếu có chính nghĩa và nhân tính.
Thanh Bình
Ý kiến bạn đọc (0)