Thứ bảy, 01/06/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chia sẻ yêu thương, hạnh phúc sẽ đến

Cập nhật: 07:00 ngày 02/03/2019
(BGĐT)- Cuối chiều chạng vạng, chị xuống xe buýt rồi lặng lẽ bước vào cổng bệnh viện. Ở đó có người đang đợi. Đưa hai tay đón lấy một hộp giấy, thấy nặng nặng, chị quay sang hỏi người phụ nữ vừa trao: “Cô ơi, to thế ạ?”. Người phụ nữ khẽ gật đầu “7,8 tháng rồi”; “Vậy cháu phải về nhanh để chôn cho kịp”. Ít ai biết rằng trong chiếc hộp ấy là một sinh linh vô tội vừa bị chối bỏ quyền được sống.

"Mẹ chúng bỏ, tôi xin về"

Những em bé sinh non ngoài ý muốn đã không kịp nhìn thấy ánh mặt trời; bao thai nhi xấu số không thể có cơ hội trở thành người đã được chị Nguyễn Thị Hơn xin về để khâm liệm rồi chôn cất. “Tôi chỉ mong những những hài nhi đã bị chính cha mẹ và người thân chối bỏ được hưởng chút ấm áp cuối cùng, như một sự an ủi, vậy thôi”- chị Hơn tâm sự.

{keywords}

Chị Nguyễn Thị Hơn trong giờ lên lớp.

Khác với hình dung ban đầu của tôi về chị, chắc là một phụ nữ đứng tuổi, có hoàn cảnh éo le hay gặp sự bất trắc gì đó trong cuộc sống mới đi thu lượm những xác hài nhi về chôn để khỏa lấp nỗi đau riêng chăng?. Nhưng không phải, tôi đã nhầm, chị hẹn gặp tôi tại nhà riêng ở thôn Thanh Giã, xã Tam Dị, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Chị là giáo viên mầm non từng có hơn chục năm dạy trẻ ở trường làng, năm nay 33 tuổi, xinh đẹp, cao ráo, có đôi mắt sáng, trong veo của người theo Đạo Công giáo. Chồng đi lao động xuất khẩu ở Singapore. Chị sống trong ngôi nhà 3 tầng đầy đủ tiện nghi đắt tiền cùng bố mẹ chồng và hai người con một gái, một trai. Sát cạnh nhà là cơ sở Mầm non tư thục Họa Mi thành lập năm 2017 mà chị đang làm chủ.

Nạo phá thai là vấn nạn nhức nhối trong xã hội nhưng vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn. Ngày nào trên địa bàn Lục Nam nơi chị sinh sống cũng có những xác hài nhi vô tội bị vứt bỏ. Chị Hơn kể: “Cơ duyên đi xin, nhặt xác thai nhi bắt đầu từ năm tôi học lớp 12. Khi đó, tôi được cha xứ giác ngộ làm điều thiện nguyện; cha mẹ đẻ ủng hộ, lại được chị gái động viên hai chị em cùng làm nên tôi đi theo. Khi chị tôi đi tu rồi vào sinh sống ở TP Nha Trang, tôi tiếp quản công việc thiện nguyện này. May mắn là khi lấy chồng, được gia đình chồng ủng hộ nên tôi không có gì phải lo lắng cả”.

Thế nhưng để gần 14 nghìn thai nhi xấu số được khâm liệm, chôn cất, hương khói cẩn thận tại nghĩa trang của gia đình, chị Hơn đã gặp không ít lời chối từ. “Ban đầu khó khăn lắm, đặt vấn đề nhưng các bệnh viện, phòng khám tư họ không cho đâu. Họ nghi ngại, ngờ vực, không tin là tôi lại có thể làm công việc này. Có người còn nghĩ tôi nhiệt tình thế, chắc có lợi gì đây” - chị Hơn kể.

Không nản chí, chị bắt đầu để ý xem những hài nhi bị chối bỏ ấy sẽ đi về đâu, họ xử lý chúng thế nào? Và rồi không tin ở mắt mình khi chị nhìn thấy hằng ngày, những hài nhi xấu số kia phút trước còn có trái tim đập thình thịch trong bụng mẹ, vậy mà bây giờ bị vứt bỏ, nằm vô hồn trong những chiếc túi bóng đen đem đi vùi lấp sơ sài hoặc vứt vào thùng rác. Ngày nào cũng có người bỏ thai, xót xa, thương cảm, chị cẩn thận nhặt lên cho vào túi nilon đem về nhà. Bé nào còn hình hài thì tắm rửa rồi khâm liệm, đặt trong chậu sành hoặc niêu đất mang đi chôn ngay trong ngày. Cả những phôi thai- nhân tố hình thành nên con người nếu thu lượm được chị vẫn đem về chôn cất. Cứ lặng lẽ làm qua ngày hết tháng, dần dần nhiều người hiểu được công việc của chị, phòng khám nọ giới thiệu phòng khám kia đồng ý để chị đem về. Rồi cũng có nhiều người gọi, có người nhờ chị đem chôn, có bé bị bỏ rơi ở cổng viện hay phòng khám họ cũng gọi điện cho chị. Lao đi cả sáng, trưa, chiều thậm chí buổi tối, bất cứ lúc nào có người a-lô là chị tất tả lấy xe, gần thì đi xe máy, xa thì bắt xe buýt, hôm nào bận quá thì nhờ con gái đi lấy giúp. Sau này khi đã có kinh nghiệm, chị không vất vả đi chôn ngay như trước mà mua một chiếc tủ đông để ở gia đình bố mẹ đẻ, cứ nửa tháng lại đem chôn một lần.

Chôn cất gần 14 nghìn hài nhi

“Tôi mong mình có thể làm được điều gì đó mang lại chút ấm áp cuối cùng cho các bé, để chúng có chốn an nghỉ đàng hoàng cho dù chúng đã bị tước đi sự sống. Nghĩ đây là việc làm thiện nguyện, xuất phát từ trái tim, thấy lòng mình được thanh thản thì tôi làm thôi”- chị Hơn tươi cười khi tôi hỏi về lý do hơn chục năm qua chị lặng lẽ làm việc thiện. “Tình thương cho đi, hạnh phúc sẽ đến”, chị luôn tin là như vậy nên bên cạnh việc chôn cất hài nhi, chị còn tích cực làm công việc từ thiện khác. Được sự hậu thuẫn, hỗ trợ của người chị gái, Tết năm nào chị cũng dành tặng hàng trăm suất quà, chăn ấm cho những đối tượng khó khăn, học sinh nghèo trong và ngoài tỉnh.

{keywords}

Chị Hơn thắp hương bên những ngôi mộ không tên.

Tháng Giêng mưa xuân rầm rì, đường ra nghĩa trang hài nhi Anh Hài nằm ở cánh đồng thôn Đại Lãm, xã Tam Dị nhiều chỗ khó đi. Nghĩa trang này được xây dựng trên khu đất ruộng của ông bà ngoại chị Hơn rộng hơn 1.000m2; xung quanh có tường bao, nhiều cây xanh, hòn non bộ. Hàng trăm ngôi mộ tập thể được ốp gạch men trắng tinh nằm ngay ngắn, thẳng hàng, tất cả đều không tên, ngày tháng năm sinh cũng không có, nhưng có hoa tươi, bát hương và cây thánh giá. Bên cạnh huyệt chôn còn có nhiều huyệt mộ đã được đào sẵn, những chiếc cang, tiểu sành còn mới chờ an táng cho những hài nhi tiếp theo. Nếu để ý thấy ở đây có cả xích đu, cầu trượt, một số đồ chơi trẻ em: “Trần sao, âm vậy, tôi cho xây những thứ này là để cho các bé có chỗ vui chơi. Ngày 28-12 dương lịch hằng năm, tôi đều mời Cha đến làm lễ cầu cho linh hồn các bé được siêu thoát”.

{keywords}

Tôi mong mình có thể làm được điều gì đó mang lại chút ấm áp cuối cùng cho các bé, để chúng có chốn an nghỉ đàng hoàng cho dù chúng đã bị tước đi sự sống. Nghĩ đây là việc làm thiện nguyện, xuất phát từ trái tim, thấy lòng mình được thanh thản thì tôi làm thôi”.


Chị Nguyễn Thị Hơn.

Chị bảo, hầu như ngày nào cũng vậy, không kể trời mưa hay nắng, chị đều đến đây để dọn dẹp sạch sẽ, thắp cho các bé nén hương, có khi chỉ là đi bộ quanh một lượt rồi lại về”. Nhiều gia đình khi biết chị làm công việc này đã đến gặp, hối hận, muốn ăn năn chuộc lỗi xin con, nhận cháu đưa về nhà hương khói, nhưng không thể vì đã đào sâu chôn chặt. Vì vậy, nghĩa trang cũng thường xuyên có người thân các bé đến thắp hương. Cũng có nhiều đoàn thiện nguyện đến chia sẻ, động viên, có người còn ủng hộ 500 chiếc cang để phục vụ chôn cất.

Cắm hương trên từng ngôi mộ, vừa thắp chị vừa lầm rầm như đang nói chuyện với các bé. Tôi cũng lần lượt thắp lên những nén hương, mong cho các bé được ấm lên trong lòng đất lạnh. Chút ấm áp ấy, hy vọng sẽ vỗ về, an ủi, bù đắp phần nào những đau đớn, thiệt thòi mà các sinh linh bé nhỏ khi bị chính bố mẹ mình từ bỏ.

Bắc Giang: Thai nhi tử vong, người nhà tố trách nhiệm của bác sĩ
(BGĐT) - Xung quanh sự việc gia đình sản phụ Hoàng Thị N (SN 1996) ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) yêu cầu Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang xác nhận nguyên nhân cái chết của thai nhi 40 tuần tuổi xảy ra ngày 16-2-2019, phóng viên Báo Bắc Giang đã có buổi làm việc với ông Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện. 
 
Bộ Y tế: Xác minh việc cấp nhầm thuốc phá thai cho nhiều thai phụ
Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế Tiền Giang yêu cầu xác minh và báo cáo thông tin các trường hợp được phát thuốc Misoprostol 200 mcg (loại thuốc dùng để đình chỉ thai) cho thai phụ dưỡng thai.
 
Nhờ thầy lang phá thai, một phụ nữ tử vong
Do vỡ kế hoạch nên chị K. nhờ một thầy lang cùng xã chọc que nứa vào tử cung làm hỏng thai. Nhưng sau đó, chị K. bị đau bụng dữ dội, chảy nhiều máu và tử vong trên đường đến bệnh viện.
 

Thu Phong

Chia sẻ:
chia-se-yeu-thuong-hanh-phuc-se-den.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...