Cảnh báo phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản
BẮC GIANG - Công an tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn số 1992 về việc phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục tuyên truyền sâu rộng, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội về cách nhận diện các phương thức, thủ đoạn và biện pháp phòng, chống tội phạm công nghệ cao nhưng số vụ, số người bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng vẫn gia tăng về số vụ, quy mô và có những diễn biến phức tạp, gây thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhân dân. Theo thống kê, năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng khoảng 10 nghìn tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.
Phổ biến, hướng dẫn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần thực hiện tốt khẩu hiệu “4 không”, “2 phải”. |
Đáng chú ý, có không ít bị hại là CBCCVC, đảng viên đang làm việc tại các cơ quan thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây là những người có hiểu biết về pháp luật và kỹ năng an toàn trên không gian mạng, đồng thời thường xuyên được tiếp cận các thông tin tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo, biện pháp phòng ngừa nhưng vẫn chủ quan, mất cảnh giác, hám lời... nên đã trở thành nạn nhân của tội phạm này.
Một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến như: Kết bạn làm quen qua mạng xã hội (facebook, zalo...), hứa hẹn tình cảm yêu đương, tặng quà rồi lừa đảo; chiếm quyền quản trị (hack) hoặc làm giả tài khoản mạng xã hội của người khác sau đó nhắn tin, lừa gạt người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền. Tạo lập các website sàn giao dịch tài chính, thương mại điện tử (lazada, shopee...), chứng khoán quốc tế để lôi kéo người dân tham gia đầu tư rồi chiếm đoạt.
Giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện báo người dân liên quan đến vụ án mua bán ma túy, rửa tiền, xử phạt nguội vi phạm giao thông, cập nhật thông tin căn cước công dân hoặc cơ quan Thuế thông báo nộp thuế. Giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng; thủ đoạn cho vay tiền qua app.
Đặc biệt cao cấp hơn đối tượng sử dụng phần mềm “Deepface”, “Deepvoice” để cắt ghép hình ảnh, tạo các cuộc gọi video giả mạo gần giống hình ảnh, giọng nói của chủ tài khoản khiến bạn bè, người thân nhầm tưởng đối tượng là người quen đang cần giúp đỡ, nhờ chuyển tiền...
Để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an tỉnh đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp thực hiện quyết liệt hơn nữa các kế hoạch, văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động phạm tội trên không gian mạng như: Chỉ thị số 21 ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Công văn số 5027 ngày 31/8/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đến từng cán bộ, đảng viên, CCVC và quần chúng Nhân dân biết để không trở thành nạn nhân của tội phạm này.
Phổ biến, hướng dẫn cán bộ, đảng viên, CCVC cần thực hiện tốt khẩu hiệu “4 không”: Không sợ - Không tham - Không kết bạn với người lạ - Không chuyển khoản; “2 phải”: Phải thường xuyên cảnh giác - Phải liên hệ với cơ quan Công an khi có nghi ngờ để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến, bảo vệ tài sản của bản thân.
Khi phát hiện hành vi và đối tượng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cần báo ngay cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền, cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết.
TS
Ý kiến bạn đọc (0)