Cần khắc phục ngay tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế công tác phòng chống DTLCP ở xã Chu Điện (Lục Nam). |
Đoàn công tác đã thâm nhập thực tế một số tuyến kênh, mương trên địa bàn hai huyện. Tại huyện Lục Nam, đoàn đi hai điểm là kênh tiêu, khu vực cầu Sen, nối hai xã Bảo Đài và Chu Điện; tuyến kênh Yên Lại, đoạn chảy qua thôn Thuẫn, xã Bảo Đài. Thời điểm kiểm tra, trên các tuyến kênh này không có xác động vật và rác thải.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, trước đó trên các tuyến kênh này có một số xác lợn chết trôi dạt gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Kiểm tra tuyến kênh Giữa (G35) đoạn chảy qua địa bàn thị trấn Tân Dân và xã Tân An (Yên Dũng). Tại cống Máng Tư có nhiều xác lợn chết nặng hàng trăm kg thối rữa, ruồi bọ bu kín bốc mùi hôi thối nồng nặc. Xung quanh là hàng tấn rác thải các loại bị rào chắn của cống ngăn lại.
Ông Chu Văn Giáp, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Dân khẳng định, số xác lợn và rác thải này trôi dạt từ phía đầu nguồn của huyện Lạng Giang về. Bởi các điểm chặn rác ở dọc tuyến kênh Giữa chảy qua địa bàn xã Thái Đào (Lạng Giang) đã bị tháo đi.
Cùng thời gian, Đoàn đến xã Yên Lư (Yên Dũng), nơi có gần 3,5 nghìn con lợn bị chết do mắc dịch trong gần một tháng qua (chiếm 1/3 tổng số lợn tiêu hủy của cả huyện). Quan sát cho thấy, địa phương này đã chú trọng hơn trong công tác phòng, chống dịch. Điểm đầu các tuyến đường ngõ được rắc vôi bột, 3 chốt kiểm soát vận chuyển động vật được thành lập và đi vào hoạt động…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với huyện Yên Dũng. |
Đi đôi với kiểm tra thực tế, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống bệnh DTLCP của cả hai huyện.
Lục Nam và Yên Dũng có tổng đàn lợn hơn 120 nghìn con, trong đó, Lục Nam hơn 70,4 nghìn con, Yên Dũng hơn 40,5 nghìn con.
Đến hết ngày 6-5, tổng số lợn của hai huyện phải chôn hủy nghi mắc bệnh DTLCP, tai xanh, lở mồm long móng hơn 14,3 nghìn con (Yên Dũng 10.197 con, Lục Nam 4.206 con), tương ứng với gần một nghìn tấn. Trên địa bàn hai huyện có gần 150 trang trại, gia trại chăn nuôi (quy mô từ 200 đến hơn 1.000 con lợn/lứa) và hơn 5 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Hiện cả Yên Dũng và Lục Nam đều đang đối diện với những khó khăn như: Dịch bệnh ngày càng lan rộng, 100% các xã, thị trấn của cả hai huyện đều có lợn chết do mắc dịch.
Lãnh đạo nhiều xã vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là; một số thành viên BCĐ huyện chưa quan tâm bố trí thời gian đi cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống dịch.
Theo phản ánh của lãnh đạo hai huyện, trở ngại lớn đang gặp phải là các hộ chăn nuôi hầu hết nằm xen kẽ với khu dân cư, chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ và tự phát nên khó khăn trong quá trình kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là công tác khai báo dịch bệnh.
Trong khi đó, số lượng lợn chết và chôn hủy lớn, ngày càng gia tăng, ngân sách dự phòng của các huyện hạn hẹp, khó thuê nhân công đi chôn hủy và đáp ứng kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định.
Một số trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn đã có lợn chết phải tiêu hủy, vì vậy các trang trại này có nhu cầu lấy mẫu xác minh dịch bệnh để có biện pháp xử lý đàn lợn của mình…
Tập trung cao phòng dịch tại các trang trại
Tại những nơi đến kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái phê bình BCĐ hai huyện Lục Nam và Yên Dũng triển khai phòng, chống dịch có thời điểm chưa quyết liệt, thể hiện ở lượng vôi bột sử dụng quá ít.
Đặc biệt, các xã: Yên Lư, Nội Hoàng, Thắng Cương, Đồng Phúc khi có lợn chết thực hiện chôn hủy không kịp thời, không đúng quy trình hướng dẫn khiến dịch bệnh lan nhanh. Mặc dù tổng đàn lợn ít nhưng số lợn của Yên Dũng bị chết do mắc dịch lại đứng thứ hai toàn tỉnh.
Rác thải và xác lợn chết tồn lưu trên kênh Giữa thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Thái Đào (Lạng Giang) và thị trấn Tân Dân (Yên Dũng). |
Đồng chí Dương Văn Thái cho rằng gần đây, không chỉ Lục Nam và Yên Dũng mà các huyện trong tỉnh công tác chỉ đạo phòng, chống dịch có biểu hiện thiếu tập trung.
Vệ sinh tiêu độc, khử trùng chưa tiến hành triệt để. Người chăn nuôi thiếu ý thức, vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường gây ô nhiễm. Trong khi đó, chính quyền nhiều nơi lại thiếu sâu sát chỉ đạo chôn hủy khiến bệnh dịch ngày càng lan rộng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, ngành hai huyện tập trung cao chỉ đạo thực hiện chống dịch; thành lập các tổ công tác xuống kiểm tra, hỗ trợ cơ sở. Tuyên truyền để người chăn nuôi nâng cao ý thức chống dịch, không vứt xác lợn ra môi trường.
Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, cơ quan thú y tích cực tham mưu cho huyện, tỉnh các biện pháp dập dịch. Khi có lợn chết phải được kê khai đúng, chôn hủy kịp thời theo quy định. Tránh tình trạng dân có lợn chết báo chính quyền mà cả ngày không cử người xuống xem xét.
Tại các trang trại, hộ nuôi, hố chôn hủy cần tiếp tục khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh, tuyệt đối không được tái đàn. Các huyện tập trung cao phòng dịch cho các trang trại, gia trại. Tại các trang trại lớn, khi có lợn bị ốm cần lấy mẫu xét nghiệm và cách ly, nếu kết quả dương tính với bệnh DTLCP thì mới tiến hành chôn hủy.
Khuyến cáo các chủ nuôi bán lợn khi lợn đến tuổi xuất chuồng để giảm thiệt hại. Các huyện quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho lực lượng phòng, chống dịch…
Đồng chí Dương Văn Thái yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các địa phương cách kê khai mới để việc chôn hủy và hỗ trợ các hộ có lợn buộc phải tiêu hủy thuận tiện hơn. Trước mắt, tiến hành hướng dẫn Lục Nam và Yên Dũng các thủ tục cần thiết để công bố dịch.
Thành Nam- Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)