Cần giải quyết dứt điểm tình trạng vứt xác lợn, rác thải trên kênh Trôi, đoạn qua xã Hoàng An (Hiệp Hòa)
Người dân vớt rác, xác động vật trên rào chắn Hoàng An. |
Trung bình, tại rào chắn này mỗi ngày có hơn 10 xác động vật, trong đó chủ yếu là xác lợn trôi dạt từ đầu nguồn phía huyện Phú Bình (Thái Nguyên) về. Cao điểm như các ngày: 6-7 có 29 xác lợn; ngày 7-7 có 26 xác lợn, ngày 20-7 có 12 xác lợn chết được trục vớt.
Được biết, kênh Trôi bắt nguồn từ tỉnh Thái Nguyên, chảy qua huyện Phú Bình (đến xã Hoàng An được phân nhánh gọi là kênh N3) dẫn nước tưới từ sông Cầu về cho các địa phương của huyện Hiệp Hòa.
Đoàn công tác của UBND huyện Hiệp Hòa, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang đến khảo sát, tìm giải pháp khắc phục. |
Tình trạng xác lợn chết do người dân phía đầu nguồn (thuộc tỉnh Thái Nguyên) vứt xuống lòng kênh diễn ra trong thời gian dài gây bức xúc cho người dân Hiệp Hòa đã được báo chí phản ánh nhiều lần nhưng đến nay vẫn không có chuyển biến tích cực.
UBND huyện Hiệp Hòa đã có nhiều buổi làm việc với phía huyện Phú Bình để bàn hướng giải quyết tình trạng trên nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả.
Ngày 26-6 vừa qua, Huyện ủy Hiệp Hòa đã có công văn gửi Thường trực Huyện ủy Phú Bình với nội dung đề nghị phối hợp giải quyết công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), hạn chế ô nhiễm môi trường.
Rác thải, xác lợn vớt được ngày 12-7. |
Cụ thể, Thường trực Huyện ủy Hiệp Hòa mong muốn tổ chức buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy Phú Bình với nội dung: Thống nhất, phối hợp thực hiện một số công việc để hạn chế, ngăn chặn rác thải, xác động vật, chết trôi nổi trên kênh Trôi, đoạn qua xã Kha Sơn, huyện Phú Bình và qua các xã Thanh Vân, Hoàng Lương, Hoàng An thuộc huyện Hiệp Hòa.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Mỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Kỹ thuật nông nghiệp Hiệp Hòa (thành viên trong đoàn công tác của Huyện ủy Hiệp Hòa sẽ làm việc với Huyện ủy Phú Bình) thông tin, đến thời điểm này phía Phú Bình vẫn chưa có hồi đáp công văn trên, tình trạng lợn chết, rác thải bị vứt xuống kênh vẫn diễn ra như đã nêu.
Mỗi ngày có hàng tấn rác thải, xác động vật bị rào chắn ở xã Hoàng An ngăn lại. |
Cũng theo ông Mỹ, số kinh phí phía Hiệp Hòa chi cho việc vớt xác lợn, rác thải đem đi chôn hủy tại đoạn kênh này từ đầu dịch đến nay tốn cả trăm triệu đồng. Nguồn nước kênh ô nhiễm nặng khiến mầm bệnh lây lan nhanh, góp phần làm cho hơn 33 nghìn con lợn của Hiệp Hòa bị nhiễm bệnh DTLCP buộc phải tiêu hủy.
Qua đây, rất mong phía Huyện ủy, UBND huyện Phú Bình và các địa phương có kênh Trôi chảy qua phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng trên, bảo đảm cuộc sống cho người dân trên địa bàn và bảo đảm cho công tác phòng, chống DTLCP hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc (0)