Các cơ sở y tế phòng, chống rét cho người bệnh
Từ sáng 22/1 đến trưa 23/1, Bệnh viện Phổi Bắc Giang tiếp nhận 69 bệnh nhân đến khám, trong đó có 39 trường hợp được chỉ định nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp như: Viêm phổi, suy hô hấp cấp của bệnh phổi tắc nghẽn, lao phổi. Qua đó, nâng tổng số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện lên 445 trường hợp (tăng hơn 20 trường hợp so với tuần trước), trong đó có 48 bệnh nhân nặng.
Bệnh viện Phổi Bắc Giang bố trí thêm đèn sưởi tại các phòng bệnh. |
Ngày 22/1, ông Nguyễn Đình Nghị (SN 1951), trú tại xã Tiên Lục (Lạng Giang) thấy khó thở nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Phổi Bắc Giang cấp cứu. Tại đây, ông được chẩn đoán bị viêm phổi tắc nghẽn, chỉ định nhập viện điều trị, thở bằng máy. Tương tự, ngày 22/1, ông Vương Đình Đợi (SN 1964), ở xã Trường Giang (Lục Nam) cũng nhập viện điều trị bệnh viêm phổi tắc nghẽn. “Tôi từng bị viêm phổi cách đây 30 năm. Vài năm gần đây, dù thời tiết thay đổi song tôi chưa từng phải nhập viện trở lại. Ngày 22/1, do mưa, rét đậm nên tôi tái phát bệnh”, ông Vương Đình Đợi cho biết.
Không chỉ tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang, ở các cơ sở y tế khác, số bệnh nhân đến khám, điều trị trong những ngày gần đây cũng tăng. Tại Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa, hai ngày qua, lượng bệnh nhân nhập viện điều trị tăng khoảng 10% so với những ngày trước đó; trong đó chủ yếu là người già, trẻ nhỏ đến điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp.
Bác sĩ Khoa Nội Nhi hô hấp (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) thăm khám cho bệnh nhi mới nhập viện. |
Tại Khoa Nội Nhi hô hấp (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang), từ ngày 22/1 đến nay cũng có hơn 20 bệnh nhi nhập viện điều trị các bệnh: Viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi… Tại thời điểm trưa 23/1, khoa có 108 bệnh nhi đang điều trị, tỷ tệ giường bệnh thực kê được sử dụng 92,3%.
Bác sĩ Ong Thị Hương, Trưởng Khoa Nội Nhi hô hấp cho biết: “Mỗi đợt thay đổi thời tiết, nồm, ẩm, rét đậm, số trẻ nhập viện điều trị lại tăng từ 10-15% so với những ngày bình thường. Nguyên nhân là do sức đề kháng của trẻ yếu, gặp thời tiết thay đổi đột ngột và không mặc đủ ấm dẫn đến bị hen, viêm phổi, viêm phế quản”.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Bắc Giang, từ ngày 21/1, tại các địa phương trong tỉnh xảy ra rét đậm trên diện rộng, từ ngày 22/1 đạt ngưỡng rét hại. Tại thời điểm sáng 23/1, nhiệt độ thấp nhất tại các nơi trong tỉnh phổ biến ở mức 8 độ C.
Để chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, cùng với bố trí thêm cán bộ làm việc tại phòng khám, các cơ sở y tế có những giải pháp chống rét cụ thể. Tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang, từ sáng 22/1, đơn vị đóng cửa tại khu vực ngồi chờ đăng ký khám bệnh để tránh gió lùa, bố trí thêm 1 bàn khám để người bệnh không phải chờ lâu. Hay như Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa mua thêm hơn 50 chăn ấm, 10 quạt sưởi và lắp đặt thêm 5 điều hòa nhiệt độ 2 chiều tại khu vực khám cấp cứu, khoa hồi sức cấp cứu và phòng cấp cứu ngoại.
Khoa Sản II (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) bố trí thêm quạt sưởi tại các phòng chưa có điều hòa 2 chiều. |
Tương tự, các khoa của Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang cũng bố trí, sắp xếp bệnh nhân ở tại các phòng có điều hòa 2 chiều theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ như tại Khoa Sản II, do số bệnh nhân hậu phẫu, hậu sản ít nên số giường bệnh tại các phòng có điều hòa 2 chiều chưa sử dụng hết, từ sáng 22/1, khoa chuyển 5 trường hợp mang thai khó lên các phòng này. Với những phòng chưa có điều hòa 2 chiều, khoa bố trí thêm quạt sưởi, giúp giữ ấm cho người bệnh.
Dự báo đợt rét đậm, rét hại này có khả năng kéo dài đến hết ngày 27/1, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống mức 5 - 6 độ C. Để phòng, ngừa các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch, cơ quan chuyên môn khuyến cáo, người dân hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng.
Những ngày này, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang sắp xếp, ưu tiên bệnh nhân theo thứ tự tại các phòng có điều hòa 2 chiều. |
Khi ra ngoài nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như: Áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang... Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh. Không nên tắm khuya sau 22 giờ, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu phải làm việc ngoài trời cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm; giữ người, tay chân khô ráo, tránh ẩm ướt; trang bị và sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động. Cùng đó, người dân cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tập thể dục đúng cách… Với những trường hợp có bệnh nền cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động phòng ngừa.
Tin, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)