Biến thể Omicron đang có xu hướng gia tăng lây nhiễm
Toàn cảnh phiên họp tại Hà Nội. |
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phiên họp này đánh giá tình hình dịch bệnh kể từ phiên họp thứ 12 trước Tết đến nay để xem có gì mới, phức tạp, diễn biến mới nổi lên trong phòng, chống dịch Covid-19 ở trên thế giới cũng như trong nước; trên cơ sở đó chúng ta có những giải pháp phù hợp.
Trên phạm vi toàn quốc hiện nay, chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, những tuần gần đây nổi lên vấn đề số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, diễn biến phức tạp, nhất là sau khi có chủng Omicron xâm nhập nước ta.
Do đó, ngoài việc cần đánh giá số ca mắc tăng cao thì cần quan tâm vấn đề mới, lưu ý, quan tâm những gì, từ đó chúng ta đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình. Ngoài ra, cần xem xét việc bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là các biện pháp liên quan y tế như thuốc, vaccine; phòng, chống dịch ở các địa phương, các bộ, ngành... để từ đó có các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc.
* Theo Bộ Y tế, đến nay, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Tuy vậy, số ca mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%); số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước, số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày, hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.
Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, thành phố.
Kể từ khi triển khai thí điểm mở lại các đường bay quốc tế ngày 1/1 đến hết ngày 14/2, cả nước ghi nhận hơn 800.000 ca mắc, trong đó hơn 500.000 ca tại cộng đồng.
Với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, mở cửa trở lại hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp, nhất là thời gian tới Việt Nam nới lỏng cách ly y tế, vận chuyển hành khách, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam sẽ gia tăng mạnh kéo theo áp lực lên hệ thống y tế.
Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết 30/2021/QH15, kết luận số 25- KL/TW, ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2022-2023, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống dịch (bao gồm bảo đảm nhân lực, thuốc, trang thiết bị; an sinh xã hội; an ninh-trật tự xã hội; sản xuất và lưu thông hàng hóa; vận động và huy động xã hội; dân vận, vừa bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế xã hội.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện “đa mục tiêu” nhất là phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vừa sẵn sàng phòng, chống dịch; chỉ đạo thúc đẩy toàn diện các hoạt động kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới; thực hiện đồng bộ chương trình phòng, chống dịch bệnh gắn với chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội.
Trong 30 ngày triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân (từ 29/1-28/2), cả nước tiêm được hơn 14 triệu liều, chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại (hơn 12 triệu liều), góp phần vào việc tăng cường tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine cơ bản và tiêm mũi 3 trên toàn quốc.
Như vậy, nước ta cơ bản đã bao phủ 2 liều vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên. Đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 3 là 37,4% là cơ bản đáp ứng tiến độ (ước khoảng hơn 75% đối tượng đến lịch tiêm mũi 3 đã được tiêm chủng). Đến hết quý I/2022, ước khoảng 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 vì có khoảng 23,4 triệu người cần tiêm liều bổ sung để hoàn thành lộ trình tiêm đủ liều cơ bản chủ yếu được tiêm từ tháng 1/2022, do đó thời gian tiêm mũi 3 cho các đối tượng này là từ tháng 4/2022.
Tính tới thời điểm hiện tại, Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu 37.610.540 viên Molnupiravir để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (khoảng 940.000 liệu trình điều trị).
Liên quan năng lực sản xuất của 3 đơn vị trong nước đã được cấp phép, tổng công suất sản xuất thuốc Molnupiravir có thể đạt 280 triệu viên/tháng, tương ứng với 11 triệu liệu trình/tháng.
Trong khi đó, theo số liệu tính toán của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, số ca mắc Covid-19 mức độ nhẹ/tháng là 1.116.000 ca/tháng, ước tính 30% số bệnh nhân này phải dùng thuốc kháng virus và nếu dùng toàn bộ Molnupiravir thì nhu cầu Molnupiravir là 334.800 liệu trình/tháng.
Sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu điều trị và giá thành hiện tại cho 1 liệu trình điều trị khoảng 300.000 đồng (hiện rẻ nhất so với các nước khác trên thế giới).
Để có nhiều nguồn cung thuốc kháng virus điều trị Covid-19 bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả, kịp thời cho nhu cầu của cơ sở khám chữa bệnh theo cơ chế cấp phát miễn phí cho người bệnh và theo hình thức người bệnh tự chi trả, duy trì tính cạnh tranh, hạ giá thành thuốc lưu hành trên thị trường, Bộ Y tế sẽ thông báo công khai và hướng dẫn các đơn vị nhập khẩu (nếu có nhu cầu nhập khẩu các thuốc nước ngoài chứa hoạt chất Molnupiravir) nộp hồ sơ theo Điều 66 của Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định cấp phép nhập khẩu thuốc chứa dược chất đã có Giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng tiếp tục và khẩn trương tổ chức thẩm định, xem xét để cấp Giấy đăng ký lưu hành và cấp phép nhập khẩu thuốc cho tất cả các hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc Molnupiravir đáp ứng yêu cầu (bao gồm cả hồ sơ thuốc nước ngoài và hồ sơ thuốc sản xuất trong nước)...
Theo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc (0)