Bia trụ ở đình Ngò và công đức quan Thái bảo Nguyễn Giáp Sùng
Tấm bia trụ tại đình Ngò. |
Bia có dáng hình trụ được dựng bên trái tòa hậu cung, khác biệt so với những tấm bia tứ diện, bia dẹt thường gặp ở nhiều di tích trong tỉnh. Bia được tạo thành ba phần: Chân đế, thân bia và chóp bia đều được tạc bằng đá xanh. Lớp sát đế chiếm phần lớn thân bia, khắc văn chữ Hán vòng quanh thân. Lớp thứ hai đắp nổi hình đai bao quanh thân với các núm tròn nhỏ khắc tên bia. Lớp thứ ba không trang trí hoa văn mà vuốt thon dần về phía chóp. Chóp bia cao 20cm, đường kính đáy 0,25m. Thân chóp vuốt nhọn dần lên phía đỉnh, khắc trang trí hình các cánh sen mập ôm lấy chóp đỉnh, tạo cho chóp bia giống một nụ sen khổng lồ.
Nhìn tổng thể tấm bia đá trụ tròn này rất hiếm gặp trên địa bàn tỉnh. Bia có dáng của một sinh thực khí Linga biểu trưng cho tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, cầu cho mùa màng tốt tươi, nhân đa vật thịnh.
Một điểm nữa cần đề cập đến là công phu và kỹ thuật tạo tác bia. Việc tạo tác một tấm bia từ đá nguyên khối cho ra một kiệt tác nghệ thuật đòi hỏi nhiều tâm huyết và công sức. Chữ Hán khắc trên bia là kiểu chữ Khải (chữ Chân) sắc nét, nghiêm trang nhưng không kém phần mềm mại. Những nét chạm tinh xảo, kỹ thuật điêu luyện thể hiện óc thẩm mỹ tinh tế, bàn tay tài hoa với thủ pháp tạo khối, chạm chìm, chạm nổi, tỉa, soi chỉ… tạo nên bố cục hết sức tuyệt mỹ.
Dòng lạc khoản trên văn bia cho biết, bia được dựng vào ngày tốt tháng 4 năm Giáp Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 35 (tức năm 1774). Giá trị lịch sử, văn hóa của tấm bia được thể hiện nổi bật trong nội dung bài ký trên bia, bổ sung những tư liệu lịch sử quý về cuộc đời, sự nghiệp và công đức của vị quan Thái bảo Nguyễn Giáp Sùng (tức Giáp Trinh Tường). Nội dung văn bia ghi: Từ trước năm 1774, dân xã Bảo Lộc Sơn xây dựng được một số đình, chùa nhưng quy mô còn nhỏ và nhiều công trình chưa hoàn thành. Năm 1774, có quan Thái bảo Nguyễn Giáp Sùng đỗ Tiến sĩ thời Lê Uy Mục cùng vợ là chính thất phu nhân Trịnh Thị Thịnh về nghỉ ở quê nhà, thấy dân tình còn thiếu thốn, nhiều công trình đình chùa nhỏ bé và chưa hoàn thành nên đã xuất tiền của công đức cho dân để xây dựng nên đình Ngò và chùa Phán Thú tạo phúc lành lưu truyền cho muôn đời.
Ngôi đình được xây dựng theo bố cục mặt bằng hình chữ “nhị” gồm tiền đình và hậu cung. Theo kiến trúc ban đầu, tòa tiền đình gồm 3 gian 2 chái, 8 mái chồng diêm. Vào năm Canh Thân (1860), dân xã bị mất mùa, nhiều người phải phiêu bạt đi khắp nơi. Những vị đứng đầu xã cùng nhau hợp lại bàn bạc, nhất trí cho bán tòa tiền đình để lấy số tiền nộp đủ thuế “bạch bố”- đây là thứ thuế đánh cả vào những người nghèo bạch đinh chân trắng. Nộp đủ thuế xong, nhân dân lại kéo về làng an cư lạc nghiệp. Qua nhiều năm dân được hồi sức, các cụ cùng nhau đóng góp mua đủ gỗ, gạch, ngói xây lại 3 gian 2 chái tiền đình như cũ, các tục lệ tiếp tục được duy trì. Sự kiện bán đình đóng thuế được các cụ ghi khắc vào văn bia. Tấm lòng đức độ, từ bi và công lao với dân, với nước của quan Thái bảo Nguyễn Giáp Sùng cũng được khắc ghi lại trong bia đá để lưu truyền mãi mãi.
Thu Hường
Ý kiến bạn đọc (0)