Yên Thế: Đưa thông tin đến với đồng bào dân tộc thiểu số
Phát triển hệ thống truyền thanh thông minh
Với sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các loại hình thông tin trên phương tiện truyền thông hiện nay, hệ thống loa truyền thanh cơ sở vẫn có thế mạnh riêng, giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và cung cấp thông tin hữu ích cho người nghe, đặc biệt tại vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Yên Thế là huyện miền núi, nhiều đồi núi, thôn bản nằm cách xa nhau nên gặp khó khăn trong phủ sóng phát thanh khiến người dân, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số khó nắm bắt thông tin tuyên truyền quan trọng của Đảng, Nhà nước và địa phương. Nhằm khắc phục tình trạng "lõm sóng", năm 2022, huyện đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (truyền thanh IP) tại xã An Thượng; 60 cụm điểm loa IP với 150 loa ở 13 xã, thị trấn. Truyền thanh IP giúp tiết kiệm chi phí trang bị máy phát sóng, cột ăng-ten, quỹ đất để lắp đặt cột ăng-ten. Việc phát sóng chỉ bằng các thao tác vận hành đơn giản ở phần mềm được cài đặt trên máy vi tính, điện thoại di động.
Nhà văn hóa bản Trại Mới, xã Đồng Tiến được trang bị wifi, thuận lợi để tìm hiểu kiến thức nông nghiệp. |
Xã An Thượng được huyện đầu tư kinh phí xây mới đài truyền thanh theo mô hình thông minh gồm 5 cột với 24 loa; phủ sóng toàn xã và một số thôn của xã lân cận. Nghe tin tức từ loa truyền thanh đã trở thành thói quen của ông Hoàng Văn Toàn và nhiều người dân ở xã An Thượng mỗi ngày. Ông cho biết: “Buổi chiều vừa dọn dẹp sân vườn vừa tranh thủ nghe thông tin trên loa truyền thanh rất bổ ích. Nhất là những người có tuổi như tôi, mắt kém khó đọc sách báo”.
Được biết, toàn huyện Yên Thế hiện có 19 đài truyền thanh với 110 cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Hệ thống thông tin cơ sở được quan tâm xây dựng, đầu tư từng bước đáp ứng yêu cầu thông tin, truyền thông, góp phần tích cực "giảm nghèo" về thông tin trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Sau một thời gian triển khai, hệ thống truyền thanh mới đã nhận được sự đánh giá tích cực của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi của huyện.
Đa dạng cách hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin
Góp phần thay đổi nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc giảm nghèo, huyện Yên Thế triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ bà con tiếp cận thông tin, dịch vụ số. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lắp wifi tại nhà văn hóa trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 43 nhà văn hóa thôn, bản có wifi miễn phí để phục vụ nhu cầu truy cập internet của người dân.
Năm 2022, huyện Yên Thế còn 1.151 hộ nghèo, tỷ lệ 3,76%. |
Xã Đồng Tiến có 1,2 nghìn hộ dân với 11 dân tộc sinh sống ở 8 thôn, bản. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 còn 5,27%; hộ cận nghèo là 7,58%. Toàn xã có 5 bản đặc biệt khó khăn là: Đồng An, Cây Thị, Khe Ngọ, Gốc Bòng, Cây Vối. Năm 2021, xã lắp wifi tại bản Khe Ngọ; đầu năm 2022, lắp đặt tiếp tại 4 bản: Trại Mới, Gốc Bòng, Cây Vối, Cây Thị. Cùng đó, xã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng thường xuyên tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng số.
Ông Chu Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để giúp bà con dân tộc thiểu số quen dần với thiết bị thông minh, ngoài việc lắp wifi, xã còn phân công lực lượng đoàn viên thanh niên hỗ trợ bà con truy cập các dịch vụ công, tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt trên môi trường số.
Người dân bản Trại Mới, xã Đồng Tiến vào mạng để nắm bắt thông tin nhờ thiết bị wifi tại nhà văn hóa. |
Anh Hà Văn Thưởng, trưởng bản Trại Mới, xã Đồng Tiến cho biết: "Từ ngày có mạng wifi, những buổi sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi mở ti vi xem các chương trình hướng dẫn trồng rừng, chăn nuôi để bà con cùng học tập, trao đổi từ đó áp dụng vào sản xuất".
Toàn huyện hiện có 197 tổ công nghệ số cộng đồng với khoảng 1 nghìn thành viên tham gia. Các tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách dùng các ứng dụng thông minh trên điện thoại, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần "giảm nghèo" về thông tin. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin giúp người nghèo, hộ nghèo và cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Nguyên Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)