Thoát nghèo nhờ mô hình nông-lâm kết hợp
![]() |
Anh Quân chăm sóc rừng keo của gia đình. |
Sinh ra và lớn lên ở bản vùng cao, điều kiện tự nhiên không thuận lợi lại thiếu vốn, hạn chế về tư liệu sản xuất nên dù vất vả làm lụng nhưng gia đình anh Quân cũng như nhiều hộ dân tộc thiểu số khác trong bản Khuôn Đống mãi vẫn không thoát nghèo.
Còn nhớ khoảng 10 năm trước, cuộc sống gia đình anh vô cùng khó khăn. Sau khi được bố mẹ cho ra ở riêng, anh cùng vợ ngày đêm vun trồng hơn 1 ha đất rừng trồng keo và chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nhưng thiếu kỹ thuật sản xuất nên khu rừng tạp không mang lại nguồn thu đáng kể, gia đình có những lúc rơi vào tình cảnh “chạy ăn từng bữa”. Ước mơ thoát nghèo, có của ăn của để, lo cho các con ăn học của vợ chồng anh dường như ngày càng xa vời.
Sống trong điều kiện khó khăn đó, hai vợ chồng luôn trăn trở tìm hướng làm ăn để thoát nghèo. May mắn đến khi năm 2015, được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho gia đình vay 25 triệu đồng, hai vợ chồng mạnh dạn mượn thêm anh em, bạn bè đầu tư cải tạo hơn 1 ha rừng cây tạp hiện có, đồng thời nhận thầu 1,5 ha đất nữa để trồng keo thương phẩm. Anh cho biết, thời gian đầu không khỏi lo lắng nhưng được các hội, đoàn thể trong thôn, xã động viên, cán bộ khuyến nông cũng thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên mọi việc đều thuận lợi. Thấy mô hình kinh tế phát huy hiệu quả, sau khi trả hết nợ cũ, năm 2017, gia đình anh tiếp tục vay thêm 25 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ cận nghèo để mua hai con trâu nái về nuôi; trồng thêm sắn xen canh với cây keo. Bằng cách làm này, gia đình vừa có thêm nguồn thu lại tận dụng nguồn thức ăn cho trâu nái.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi nên giờ đây, vợ chồng anh đã gây dựng được mô hình kinh tế lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi hiệu quả. Hiện thu nhập của gia đình duy trì ở mức hơn 50 triệu đồng/năm. “Cũng nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách, chúng tôi mới có tiền để đầu tư phát triển sản xuất, tích lũy cho con ăn học và sửa sang nhà cửa. Điều vui nhất là nay tôi đã thoát nghèo”, anh Quân tâm sự.
Trao đổi với chị Nguyễn Thị Huệ, Tổ phó tổ vay vốn bản Khuôn Đống được biết, vợ chồng anh Quân là một trong những điển hình về nỗ lực thoát nghèo để nhiều người noi theo. Không chỉ mạnh dạn đầu tư sản xuất, dù vẫn còn khó khăn nhưng anh không ngần ngại hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây rừng, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi để giúp nhiều hộ nghèo khác có cơ hội vươn lên.
Đỗ Quyên
Ý kiến bạn đọc (0)