Khởi nghiệp từ vùng đất khó
Giữa tiết trời nắng nóng, cánh đồng mía bạt ngàn ở thôn Đồi Lánh đang lên xanh rì khiến bầu không khí như dịu lại. Hằng năm, từ tháng 5 đến khoảng tháng 9, 10 là vợ chồng chị Chuyên bận như có con mọn để kịp thu hoạch mía. 4 giờ sáng là hai người thức dậy, chặt mía giao cho khách chờ đầu bờ. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sức tiêu thụ chậm hơn những năm trước nên gia đình chị chỉ thuê hai nữ lao động cùng thôn.
![]() |
Chị Quản Thị Chuyên. |
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn khi mới nên duyên cùng anh Phạm Văn Yên (SN 1974), chị Chuyên cho hay, từ năm 1993, vợ chồng chị bươn chải đủ nghề, từ thu mua phế liệu đến trồng sắn, bán vôi vậy mà nghèo vẫn hoàn nghèo.
Để có vốn liếng làm ăn, vợ chồng bàn nhau để anh đi xuất khẩu lao động, 7 năm ở Đài Loan (Trung Quốc) rồi 3 năm bên Nhật. Đi xa, biết nhiều, hiểu hơn về kinh tế thị trường và nhu cầu của xã hội, sau khi về nước, năm 2014, anh chị quyết định bỏ vốn dồn điền đổi thửa để có diện tích lớn rồi khăn gói vào tận Thanh Hóa học cách trồng mía.
Mạnh dạn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách qua kênh của Hội Liên hiệp Phụ nữ, năm đầu, vợ chồng chị trồng hơn 1 nghìn hom mía. Lựa giống tốt, chú trọng công đoạn làm đất, bón các loại phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục nên đất đẹp, cây mía sinh trưởng, phát triển tốt. Ngay năm sau, anh chị tiếp tục mở rộng diện tích. Cây mía dễ trồng nhưng lại tốn công chăm sóc. Từ khi trồng đến khi thu hoạch kéo dài 10 tháng, quãng thời gian này phải dành nhiều công sức để bóc lá, phòng các bệnh do thời tiết gây ra. Sau năm đầu, cây mía cho thu ba năm liên tiếp, chính vì vậy, điều quan trọng nhất là việc làm đất, giữ cho đất luôn tơi xốp bằng cách không sử dụng phân bón hóa học. Thay vào đó, chị Chuyên chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân xanh ủ từ lá cây. Mấy năm gần đây nhu cầu tiêu thụ lớn nên cứ thu hoạch đến đâu là bán hết đến đó. Mỗi sào mía trung bình thu được khoảng 3 tấn với giá bán từ 4 đến 5 nghìn đồng/kg; tổng doanh thu của mô hình trồng mía lên tới hàng tỷ đồng. Để hỗ trợ cơ giới hóa trong quá trình trồng, chăm sóc cây mía, gia đình anh chị mua thêm chiếc máy cày cơ động. Tận dụng các ngọn mía thừa, chị Chuyên cũng nuôi thêm 6 con bò.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Sơn cho hay: “Gia đình chị Chuyên là hộ duy nhất của xã mạnh dạn dồn điền đổi thửa chuyển đổi cây trồng từ lúa, hoa màu sang trồng mía. Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, gia đình chị còn đi đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Anh chị là tuyên truyền viên tích cực, hướng dẫn mọi người rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách. Anh Yên tình nguyện góp ngày công phun khử trùng ở cơ quan, công sở, trường học và nơi công cộng”.
Với chị Chuyên, anh Yên, hạnh phúc lớn nhất là các con đã được đi học, tiếp cận với khoa học, kỹ thuật hiện đại. Hai con của anh chị đang học tập tại Hàn Quốc. Chị Quản Thị Chuyên là một trong những cá nhân được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)