Yên Dũng chú trọng ba loại hình du lịch
Theo thống kê, huyện Yên Dũng có hơn 300 di tích, trong đó có nhiều di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia và quốc gia đặc biệt. Nổi bật như các danh thắng thuộc dãy Nham Biền, chùa Vĩnh Nghiêm gắn với Thiền phái Trúc Lâm và hệ thống chùa chiền của phía Tây Yên Tử… Lợi thế là vậy nhưng việc khai thác, phát triển du lịch ở Yên Dũng trước đây còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do việc thu hút đầu tư cho du lịch của địa phương gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng các công trình phục vụ du lịch còn thấp, thiếu những giải pháp mang tính đột phá thu hút các nhà đầu tư.
Phối cảnh tổng thể Khu sinh thái khe Hang Dầu. |
Khắc phục điều này, năm 2016, Huyện ủy Yên Dũng ban hành Nghị quyết số 56-NQ/HU về lãnh đạo phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. UBND huyện xây dựng Kế hoạch số 30/KH-UBND triển khai thực hiện, cụ thể hóa nghị quyết này. Bên cạnh việc tuyên truyền, quảng bá, phát triển các loại hình du lịch và sản phẩm du lịch, Yên Dũng tập trung xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư du lịch vào địa phương. Bước đầu đã mời gọi, tạo điều kiện để một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, khả năng quản lý vào đầu tư các khu, điểm du lịch trọng điểm.
Yên Dũng định hướng tập trung xây dựng ba loại hình du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa-tâm linh, sinh thái-nghỉ dưỡng và thể thao-giải trí. Để phát triển các sản phẩm, dịch vụ này, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư, triển khai hàng loạt dự án. |
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Du lịch thương mại Tuấn Quỳnh (Hà Nội), doanh nghiệp đã đầu tư vào Khu dân cư Lạc Phú, xã Nham Sơn cho biết qua nghiên cứu tình hình thực tế, nắm bắt nhu cầu của du khách, được các cấp ngành trong tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Dũng tạo điều kiện thuận lợi, Công ty mạnh dạn lập dự án Khu sinh thái khe Hang Dầu tại xã Nham Sơn. Khu sinh thái thuộc dãy núi Nham Biền, nằm trên địa phận thôn Kem và thôn Minh Phượng, xã Nham Sơn. Dự án có quy mô nghiên cứu, khảo sát quy hoạch khoảng 53,6 ha; lập quy hoạch chi tiết xây dựng 36,48 ha.
Cũng theo ông Tuấn, Khu sinh thái có tính chất kết hợp giữa nghỉ dưỡng và các công trình công cộng chức năng, phục vụ khai thác du lịch. Các hạng mục dự kiến đầu tư gồm: Khu biệt thự nghỉ dưỡng; công trình công cộng, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí, bể bơi; vườn hoa, khuôn viên cây xanh, mặt nước… cùng các công trình tôn giáo như khu vực thiền, yoga. Doanh nghiệp đã có kế hoạch bố trí, huy động tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng.
Định hướng của huyện Yên Dũng là tập trung xây dựng ba loại hình du lịch chính, gồm: Du lịch văn hóa-tâm linh, sinh thái-nghỉ dưỡng và thể thao-giải trí. Để phát triển các sản phẩm, dịch vụ này, huyện huy động các nguồn lực đầu tư, triển khai hàng loạt dự án như tiếp tục hoàn thiện các hạng mục của Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng; cải tạo cảnh quan, mở rộng chùa Vĩnh Nghiêm; tôn tạo chùa Thiên Lai, thị trấn Neo; đường vào chùa Kem, xã Nham Sơn… Đến nay, huyện đã thu hút được 7 dự án trọng điểm về du lịch, văn hóa, tâm linh, sinh thái, thể thao với tổng số vốn hơn 3 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi, thu hút đầu tư trong phát triển du lịch, dịch vụ, văn hóa. Huyện cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; phối hợp bồi thường giải phóng mặt bằng để các dự án triển khai nhanh chóng. Phòng Kinh tế và Hạ tầng tham mưu với UBND huyện đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch như: Bến xe khách thị trấn Neo, nâng cấp đường tỉnh 398, 299, quốc lộ 17 và quy hoạch một số khách sạn, điểm lưu trú, bãi đỗ xe, điểm bán hàng lưu niệm, quà tặng…
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)