Thiếu nữ Bắc Giang thoát bị lừa khi vay tiền qua app
Ảnh đại diện của đối tượng lừa đảo xưng là Nguyễn Quang Bình |
Vừa tốt nghiệp THPT, H.T.H (SN 2005), trú tại thôn Liễu Nham, xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang có nhu cầu vay 30 triệu đồng để mua xe máy đi làm công nhân ở khu công nghiệp. H đã lên mạng xã hội tìm đến App vay tiền online.
Người tư vấn cho H tự giới thiệu là Nguyễn Quang Bình, số điện thoại 0968216443 xưng là chuyên viên thẩm định Công ty tài chính GOLDEN TERRA có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh.
Qua trao đổi, Bình lần lượt tư vấn khoản vay cho H. Sau khi thực hiện xong các yêu cầu của nhóm đối tượng như: Cung cấp ảnh 2 mặt căn cước công dân, ảnh chân dung và thực hiện nhập thông tin tài khoản ngân hàng, đối tượng nhắn tin cho chị H rằng khoản vay đã được thẩm định, xét duyệt và giải ngân về ví vay theo đường link: https://inkbio.me/TAI-CHINH-GOLDEN.
Tuy nhiên, đối tượng thông báo số tiền 30 triệu đồng H vay mặc dù đã được Công ty giải ngân nhưng bị treo trên hệ thống, tiền chưa thể vào được tài khoản do H nhập sai số tài khoản ngân hàng, sai thông tin cá nhân. Sau đó, chúng liên tục yêu cầu chị H chuyển khoản 4 triệu đồng để xử lý lỗi và nhận 30 triệu đồng về tài khoản như đã xét duyệt.
Nội dung tin nhắn giữa đối tượng và chị H. |
Trong khi chờ đợi H chuyển tiền, chúng nói rằng nếu không hợp tác để xử lý hồ sơ và nhận nợ về, Công ty sẽ chuyển hồ sơ sang bộ phận pháp lý là Công ty Cổ phần đầu tư mua bán nợ Song Long để thu hồi lại số tiền 30 triệu đồng đã giải ngân; đồng thời sẽ đưa thông tin của H lên các trang mạng xã hội, dán hình ảnh nợ xấu tại gia đình, người thân, bạn bè và nơi làm việc nhằm tố cáo H là người lừa đảo, bùng tiền của công ty.
Đối tượng còn doạ H phải chịu trách nhiệm với lỗi nhập sai thông tin của mình và khoản vay, ngoài ra còn bị phạt tù từ 7-15 năm.
Cùng với gửi tin nhắn, các đối tượng còn gửi cả những hình ảnh cắt ghép thông tin về H và đe doạ ngay ngày mai Công ty sẽ cho người về tận nhà để xử lý nếu không chuyển tiền.
Là con gái mới lớn, chưa lập gia đình, sợ bị ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự, H vô cùng lo lắng và đi vay tiền định chuyển cho đối tượng.
Tiếp nhận được thông tin vụ việc qua nhóm zalo công an với người dân, lãnh đạo Công an huyện Yên Dũng đã chỉ đạo điều tra viên nhanh chóng liên hệ với H để giải thích đây là hành vi lừa đảo và đề nghị không chuyển tiền.
Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Cao Nghĩa, Trưởng Công an huyện Yên Dũng được biết: Hiện nay, nhu cầu vay vốn của người dân để tiêu dùng và phục vụ kinh doanh tăng cao nên các đối tượng lừa đảo thường xuyên dùng thủ đoạn, chiêu trò cho vay tiền qua app để chiếm đoạt tài sản.
Lợi dụng tâm lý vay tiền qua app thuận lợi, nhanh chóng, không cần thế chấp, lãi suất hấp dẫn, không cần ra ngân hàng làm thủ tục, các đối tượng chạy quảng cáo trên mạng xã hội Zalo, Facebook, Tiktok... để tiếp cận bị hại.
Sau đó chúng gửi các đường link, yêu cầu tải các ứng dụng lừa đảo để bị hại cài đặt ứng dụng vào điện thoại và làm theo hướng dẫn. Sau đó, khi bị hại đăng nhập vào ứng dụng vay tiền thì ứng dụng sẽ báo lỗi, các đối tượng yêu cầu bị hại phải chuyển tiền đặt cọc để mở lại tài khoản thì mới giải ngân được hoặc yêu cầu nạn nhân mua bảo hiểm khoản vay, đóng tiền phí giải ngân, đe dọa.
Nhiều bị hại thực hiện chuyển tiền nhiều lần để được vay cho đến khi phát hiện bị lừa đảo thì đối tượng đã cắt đứt liên lạc.
Công an huyện Yên Dũng gửi Thư kêu gọi người dân cảnh giác với tội phạm lừa đảo. |
Để ngăn chặn hành vi lừa đảo, Công an huyện Yên Dũng đã tạo nhóm Zalo “Công an huyện Yên Dũng - Tuyên truyền “Lừa đảo qua mạng” với gần 400 thành viên. Rất mong người dân tham gia nhóm Zalo tuyên truyền (Quét mã QR Code) để cập nhật kiến thức về tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, tránh bị lừa.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)