Nâng tầm sản phẩm OCOP
Là một trong những đơn vị tiêu biểu trong chương trình OCOP, HTX Dịch vụ nông nghiệp Duy Bàn, xã Lãng Sơn đã xây dựng thành công mô hình sản xuất nấm rơm với quy mô 7 hộ thành viên, sản lượng từ 6-7 tấn/tháng. Mô hình sử dụng 100% nguyên liệu hữu cơ, được ủ tại chỗ theo công nghệ Nhật Bản. HTX tổ chức sản xuất và giám sát chặt chẽ các khâu, bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn. Ông Nguyễn Đức Bàn, Giám đốc HTX cho biết: “Sản phẩm nấm rơm của HTX được thị trường ưa chuộng. Chúng tôi hướng đến xây dựng mô hình bền vững nên đã đăng ký OCOP và được chấm điểm đạt 3 sao”.
Chị Nguyễn Thị Uyên kiểm tra sản phẩm đông trùng hạ thảo. |
Ở thôn Tư Mại, xã Tư Mại, chị Nguyễn Thị Uyên đã thành công khi khởi nghiệp từ nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc), làm việc cho một gia đình có phòng khám Đông – Tây y, chị đã được tiếp cận với đông trùng hạ thảo. Biết công dụng của loài thảo dược này, chị đã say mê học hỏi và nuôi đam mê khi về nước sẽ theo đuổi nghề.
Nhận thấy tiềm năng và cơ hội phát triển mạnh mẽ, tháng 1/2023, HTX Nuôi cấy đông trùng hạ thảo Hùng Uyên do chị làm giám đốc được thành lập với hệ thống nhà xưởng gần 30 m2, máy điều hòa, giá treo, máy lọc không khí, máy phun sương.
Sản phẩm đông trùng Hùng Uyên vừa được công nhận OCOP 3 sao. Kể từ ngày thành lập cơ sở, chị luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng, đưa khoa học công nghệ vào nuôi cấy để có sản phẩm chất lượng tốt. Chị cho biết 3 năm tới sẽ phát triển quy mô nhà xưởng lên 180 m2, đầu tư máy móc thiết bị, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Ông Ngụy Thế Kiên, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện cho biết: Toàn huyện hiện có 19 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, trong đó sản phẩm Dưa kim hoàng hậu của HTX Rau sạch Yên Dũng đạt 4 sao.
Đây cũng là lĩnh vực đang được huyện quan tâm hỗ trợ đầu ra. Ngoài kinh phí hỗ trợ của tỉnh là 100 triệu đồng mỗi năm, năm nay, huyện Yên Dũng bố trí 152 triệu đồng hỗ trợ tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và xúc tiến thương mại. Cùng đó khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, quảng bá sản phẩm.
Huyện cũng tập trung phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành theo các nhóm: Thực phẩm; rau củ quả sạch; thảo dược. Hỗ trợ phát triển sản phẩm lợi thế đặc trưng của huyện; vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký phát triển sản phẩm mới.
Được biết, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP của huyện đang hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ 5 sản phẩm, gồm: Tương Trí Yên, Rượu Linh Sơn, Trà củ sen, Nấm đông trùng hạ thảo, Nấm rơm của các HTX trên địa bàn để trình Chủ tịch UBND huyện xem xét công nhận sản phẩm OCOP.
Bài, ảnh: Thu Bích
Ý kiến bạn đọc (0)