Khe Hang Dầu dưới cánh núi Phượng
Khe Hang Dầu nhìn từ trên cao. |
Nếu ai đã từng đặt chân lên vãn cảnh ở dãy núi Phượng Hoàng, không chỉ cảm nhận được không gian thoáng đãng mà còn có thể phóng tầm mắt nhìn ra bốn hướng thấy trùng điệp núi non và sông ngòi, đồng ruộng trù phú từ phía xa. Cảnh sắc làm lòng người thư thái theo tiếng chuông Phật ngân vang.
Từ trên đỉnh núi Phượng Hoàng, du khách có thể định vị được các danh tích xung quanh như chùa Nham Nguyệt, đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ (còn gọi là đền Thanh Nhàn), đình Cáu, chùa Kem…Đặc biệt, trong khe núi Phượng ở phần cánh cung bên phải, phía Tây-Nam có hồ nước trong vắt, như mảnh gương soi bóng cây, bóng núi. Nhiều người đứng trên núi Phượng Hoàng rất tò mò về hồ nước này. Đó chính là hồ nước ở khe Hang Dầu. Nơi đây, nước từ các khe núi ở dãy Nham Biền đổ về, có một con đường nhỏ bên trái dưới chân núi Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng dẫn vào thung lũng này. Càng đi vào sâu, du khách càng cảm thấy không khí thoáng đãng, dễ chịu.
Hồ nước long lanh nằm ở giữa hai bên cánh núi được người dân trồng bạch đàn, thông xanh, vải thiều. Màu xanh mướt mát ấy ở cánh núi vươn như hai cánh chim đại bàng tung bay. Hồ nước thanh tĩnh nằm ẩn giữa đại ngàn còn gợi cho du khách nghĩ đến câu chuyện cổ tích về những nàng tiên đến tắm mỗi chiều hè, rồi lại hóa thành thiên nga bay về trời.
Những mái nhà ngói giản dị thấp thoáng sau rặng cây xanh. Chiều xuống, khói nhà bếp bay lên bảng lảng. Khung cảnh xóm núi bên hồ giống như bức tranh thủy mặc sống động.
Hiện tại trong khe núi này đang có hơn chục hộ sinh sống từ năm 1993. Ông Phan Thế Vĩnh, một người dân ở đây cho biết: Không khí rất trong lành, mát mẻ, yên tĩnh tốt cho sức khỏe. Nếu ở đây xây dựng khu nghỉ dưỡng thì rất phù hợp. Chính quyền địa phương đã gặp gỡ hỏi ý kiến người dân về việc di dời nếu quy hoạch khu nghỉ dưỡng. Chúng tôi đều đồng tình ủng hộ cho việc phát triển quy hoạch chung và vui mừng khi mảnh đất trong xóm núi này được xây dựng trở thành điểm đến du lịch văn minh, sạch đẹp.
Thu Hà
Ý kiến bạn đọc (0)