Hào khí cách mạng trong tâm tưởng người cán bộ tiền khởi nghĩa
Tôi được gặp ông hai lần, tại nhà riêng ở thôn Hấn, xã Hương Gián (Yên Dũng), cả hai lần ấy đều nghe ông kể say sưa về những năm tháng tuổi trẻ được giác ngộ và phục vụ cách mạng. Ông hồi tưởng: “Năm 1943, Chi bộ Đảng Hương Gián - Dĩnh Kế được tái thành lập. Khi đó, tôi đang học lớp nhì tại trường Pháp - Việt Bắc Giang. Thấy tôi nhanh nhẹn, lại được học văn hóa, các đồng chí trong chi bộ đã tuyên truyền, giác ngộ, vận động tôi tham gia cách mạng với nhiệm vụ làm tuyên truyền, thông tin liên lạc cho chi bộ”.
Ông Hà Văn Thịnh. |
Kể từ ngày đó, ngoài việc học, cậu thiếu niên Hà Văn Thịnh chẳng quản ngại khó khăn và cả sự nguy hiểm để chuyển tải thông tin của chi bộ đến các xã trong huyện, vùng lân cận... Nhớ lại thời điểm đó, ông Thịnh cho biết: “Để tránh tai mắt của kẻ địch, mỗi lần đi làm liên lạc, tôi luôn quẩy lồng chim gáy bên mình, chọn những con đường tắt để đi”.
Trước cách mạng, ông còn nhiều lần nhận nhiệm vụ rải truyền đơn tại thị xã Bắc Giang, trước cổng dinh quan Chánh sứ, Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Đĩnh - tay sai của Nhật. Năm 1945, ông trực tiếp làm trinh sát, góp phần giúp các lực lượng tự vệ phục kích đánh quân Nhật ở khu vực miếu Thị Chinh, đánh đổ ô tô và tiêu diệt 3 lính Nhật, thu giữ hơn 30 khẩu súng. Cũng không ít lần, với sự nhanh nhẹn, thông minh, ông trở thành tai mắt, nắm bắt tin tức để các lực lượng của xã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Như lần bắt sống quản Phao, người phụ trách khu vực Thái Đào (Lạng Giang) và Chánh Húc tại làng Chỗ, xã Hương Gián; đánh chiếm kho gạo ở xã Trí Yên (Yên Dũng)…
Ở tuổi 93 nhưng sức khỏe và trí nhớ của ông vẫn rất tốt. Trong câu chuyện, ông chia sẻ vẫn còn nhớ rõ những ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Hương Gián, các xã lân cận và toàn huyện Yên Dũng. “15 tuổi tôi đã được hòa mình vào không khí lịch sử và đến giờ vẫn như đang sống trong khí thế sục sôi cách mạng. Khi ấy, cán bộ, nhân dân và các lực lượng diễu hành, nổ súng bắt quân địch đầu hàng. Toàn dân hô vang khẩu hiệu Việt Nam độc lập muôn năm”.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thiếu niên Hà Văn Thịnh ngày càng trưởng thành, được xã giao làm Trưởng ban Bình dân học vụ. Ít năm sau, để có thể cống hiến nhiều hơn cho quê hương, ông thi vào học trường cấp 3 Ngô Sỹ Liên, sau đó học tập tại Trường Sĩ quan lục quân và cống hiến một thời gian trong quân đội. Năm 1951 ông sang Trung Quốc học và trở về nước năm 1954.
Kể từ đó cho đến khi nghỉ hưu năm 1988, ông cống hiến trong ngành giáo dục tỉnh với nhiều cương vị: Cán bộ Phòng Giáo dục Yên Dũng, Hiệu trưởng Trường cấp 2 xã Thái Đào, giáo viên các trường cấp 3 Lục Nam, Ngô Sỹ Liên, Yên Dũng số 2… Ở lĩnh vực công tác nào, ông đều thể hiện tinh thần gương mẫu, ham học hỏi, góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh cho tỉnh.
Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất; Huy hiệu Vì sự nghiệp giáo dục...Tuổi cao nhưng nhờ minh mẫn và có sức khỏe tốt, những năm qua ông Hà Văn Thịnh vẫn dành thời gian đóng góp ý kiến xây dựng quê hương, động viên con cháu lao động sản xuất, học tập. Ông chia sẻ: “Tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 1961. Hơn 60 năm qua, tôi luôn thấy con đường đi theo Đảng là vinh quang nhất của đời mình”.
Bài, ảnh: Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)