Điểm đến của du khách
Lễ khánh thành Nhà lưu giữ và trưng bày Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm diễn ra trang trọng. |
Yên Dũng là vùng đất cổ, có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch. Vị trí địa lý thuận lợi, được bao bọc bởi ba con sông lớn, là vùng đất với huyền thoại "99 con Phượng Hoàng", dãy núi Nham Biền hùng vĩ. Ngoài ra, huyện còn có hệ thống 270 di tích lịch sử, văn hóa (trong đó có 78 di tích, di sản được xếp hạng).
Điểm nhấn lớn nhất là chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên) - “đại danh lam cổ tự”, trung tâm Phật giáo thời Trần với khối Mộc bản trở thành Di sản tư liệu trong Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Trên địa bàn huyện còn có hai dự án khu du lịch, dịch vụ quy mô lớn: Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng; sân Golf và Dịch vụ Yên Dũng (xã Tiền Phong)… Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, huyện xác định xây dựng ba loại hình du lịch chủ yếu: Sinh thái - nghỉ dưỡng, văn hóa - tâm linh và thể thao - giải trí.
Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng trên dãy núi Nham Biền thu hút đông đảo du khách thập phương. |
Thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch, UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai. Trong đó tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp các cơ quan ban, ngành, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội. Trên cơ sở đó tập trung xây dựng các quy hoạch, đề án và các công trình hạ tầng dịch vụ phát triển du lịch. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các di tích; bảo vệ cảnh quan môi trường, phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra huy động, bố trí các nguồn vốn, đất đai cho phát triển du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch. Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người Yên Dũng; làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 25 cơ sở lưu trú được cấp phép hoạt động với tổng số 238 phòng. Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết, toàn huyện thu hút 274.300 lượt khách tham quan, trong đó khách quốc tế 9.300 người, doanh thu đạt hơn 40 tỷ đồng. |
Với những giải pháp trên, bức tranh du lịch Yên Dũng đang khởi sắc, tạo dựng nền tảng để phát triển theo hướng bền vững. UBND huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn khảo sát, hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng. Trong đó trọng tâm ở dãy núi Nham Biền; quy hoạch khu sinh thái khe Hang Dầu (xã Nham Sơn) dưới chân Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng; thu hút đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng Sun Resort (xã Yên Lư). Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm. Phối hợp hoàn thành giai đoạn 1 dự án sân Golf và Dịch vụ Yên Dũng; dự kiến khánh thành Chính điện Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng trong quý I-2018. Bên cạnh đó, huyện triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông; kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, cá nhân xây dựng các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng. Chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban quản lý di tích; thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch với nội dung, hình thức phong phú.
Xây dựng, phát triển sản phẩm đặc trưng của huyện hỗ trợ phát triển du lịch như: Gốm làng Ngòi (xã Tư Mại); mộc mỹ nghệ (xã Lãng Sơn); gạo thơm Yên Dũng; tương Trí Yên…
Du khách thăm chùa Vĩnh Nghiêm. |
Phát triển du lịch góp phần đáng kể nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương thông qua cung cấp các dịch vụ tại chỗ, thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng, mang nét truyền thống của địa phương như: Hàng thủ công mỹ nghệ, nông - lâm sản… Hoạt động du lịch phát triển, tạo nguồn ngân sách cho địa phương từ phí dịch vụ tại các khu, điểm du lịch; thúc đẩy thu hút đầu tư. Du lịch cũng là phương thức hiệu quả giới thiệu hình ảnh quê hương, con người, truyền thống, văn hóa Yên Dũng; tạo việc làm cho lao động nông thôn, thay đổi cơ cấu kinh tế, lao động. Đặc biệt tạo động lực thu hút kinh phí đầu tư, tu bổ, nâng cấp một số di tích trọng điểm.
Sân Golf và Dịch vụ Yên Dũng. |
Những kết quả nổi bật trên là nền tảng quan trọng để thời gian tới, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện phấn đấu thực hiện thắng lợi nội dung Nghị quyết đã đề ra. Trong đó tập trung cao vào những nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch. Quan tâm bảo tồn các giá trị văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; triển khai hiệu quả quy hoạch, đề án bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm; Mộc bản, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, thu hút đầu tư mở rộng chùa gắn với phát triển du lịch. Xây dựng quần thể chùa, tượng Trúc Lâm Tam Tổ trên dãy Nham Biền. Phối hợp hoàn thành các dự án phát triển hạ tầng, dịch vụ, nhất là các dự án tác động tích cực đến phát triển du lịch.
Sản phẩm của cơ sở sản xuất gốm làng Ngòi, xã Tư Mại. Ảnh Văn Vĩnh - Quốc Trường |
Bên cạnh đó xúc tiến kết nối du lịch của huyện với các khu, điểm du lịch trong, ngoài tỉnh. Khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng; quan tâm về cơ chế chính sách, đầu tư xây dựng nguồn nhân lực làm công tác du lịch. Tập trung thực hiện Kế hoạch tuyên truyền nâng cao ý thức làm du lịch của nhân dân trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại chùa Vĩnh Nghiêm và các điểm du lịch khác, tạo nền tảng phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Bùi Quang Huy
(Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng)
Ý kiến bạn đọc (0)