Cho mượn trang trại mở đường công vụ
Trang trại của gia đình ông Liêm rộng hàng nghìn m2 nằm sát chân đê khu vực ngã 6, xã Đồng Phúc đang nuôi cá, thả gà và trồng cây ăn quả. Hôm chúng tôi đến cách đây 1 tuần, ông vừa chặt hàng chục cây nhãn, bưởi đang độ cho quả. “Tôi cũng vừa hút nước cạn ao để thu hoạch cá, tạo điều kiện cho các anh ấy thi công đắp đường vào công trình. Bây giờ đang mùa khô còn dễ làm, chứ qua Tết gặp mưa sẽ vất vả thêm nhiều”- ông Liêm cho biết.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê này đã 70 năm rồi, ông Liêm hiểu rất rõ ý nghĩa của cầu Đồng Việt đối với sự phát triển KT-XH. Ông bảo: “Có cầu là mừng lắm, mong lắm nhưng sao mãi vẫn chưa thấy thi công. Hỏi ra mới biết là địa phương chưa giải phóng được mặt bằng liên quan đến các hộ khu vực ngã 6 nên không thể có đường để vận chuyển nguyên vật liệu vào công trình. Hằng ngày thấy máy móc, xe cộ “nằm yên một chỗ” phơi nắng, phơi mưa, công nhân thì chờ đợi, bản thân tôi nhà ở gần đó nhìn thấy mà sốt ruột. Khi được chính quyền và nhà thầu đến đặt vấn đề cho mượn đất để làm đường công vụ, tôi nhất trí ngay”.
Ông Liêm (bên phải) tại một phần đất cho mượn để làm đường công vụ. |
Vợ chồng ông Liêm sinh được 7 người con (6 trai, 1 gái) hầu hết đều làm nông nghiệp. Khi ông nêu ý kiến cho Nhà nước mượn đất để làm đường, lấy lối vận chuyển nguyên vật liệu, vợ con ông ủng hộ. Hiện nay, ngoài làm ruộng, làm trang trại, cứ 5 giờ sáng hằng ngày, ông lại điều khiển xe máy đến KCN Vân Trung (Việt Yên) cách nhà hơn chục km bốc vác thuê cho một doanh nghiệp sản xuất bao bì, đến khoảng 10 giờ thì về.
Được biết, trước đó, gia đình ông Liêm cũng là một trong những hộ tiên phong nhận hơn 300 triệu đồng cho hơn 3 sào ruộng thuộc diện giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án cầu Đồng Việt. Theo kỹ sư Đỗ Văn Vũ, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và XNK 168 Việt Nam, Chỉ huy trưởng công trình đường công vụ, do chưa giải phóng được mặt bằng nên không có lối vận chuyển nguyên vật liệu. Công ty đưa ra phương án mượn đất của nhà dân (chiều dài khoảng 200m, chiều ngang chục mét) để làm đường công vụ. Thật mừng vì ông Liêm đồng ý ngay mà không đòi hỏi chi phí. “Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ, nếu ông Liêm không tạo điều kiện thì cả khu vực này không còn đường nào vào nữa. Như vậy tiến độ xây dựng cầu sẽ càng chậm”- anh Vũ nói.
Sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích cá nhân cho lợi ích cộng đồng, việc làm của ông Chu Thanh Liêm thật đáng trân trọng.
Bài, ảnh: Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)