Thương binh Thân Trọng Xuyên: Anh dũng trong chiến đấu, gương mẫu giữa đời thường
Một thời máu lửa
Giữa khoảnh sân rộng rãi được quét tước gọn gàng, hai bên là hàng cây cảnh xanh tốt, ông Xuyên mời chúng tôi chén trà xanh và bắt đầu câu chuyện về hai lá đơn tình nguyện nhập ngũ. Một lần phải khai tăng tuổi để được tuyển bởi khi ấy Xuyên có dáng người nhỏ, cân nặng chỉ khoảng 38kg. Cuối năm 1970, khi ở trong quân ngũ gần một năm thì ông được về quê để cùng bố mẹ lo tang cho người anh trai vừa hy sinh trong chiến trường miền Nam. Lúc đó, dù được miễn nghĩa vụ do có hai anh trai là liệt sĩ nhưng một lần nữa, chàng thanh niên vừa tròn 18 tuổi lại viết đơn xin được ra chiến trường. Ông nhớ lại: “Ngày khoác ba lô lên đường, u tôi không khóc mà chỉ dặn dù gian khổ, hiểm nguy đến đâu cũng phải noi gương các anh, không được chùn bước”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trao Bằng khen cho thương binh Thân Trọng Xuyên dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. |
Tháng 11/1971, ông Xuyên cùng đồng đội hành quân vào chiến trường miền Nam. Sau hơn 5 tháng di chuyển trong rừng già, có khi cả ngày không nhìn thấy ánh nắng lọt qua kẽ lá, cả Đại đội 61, Trung đoàn 6 đến được Bình Định. Tháng 5/1972, ông tham gia trận chiến đầu tiên với mục tiêu giữ vùng giải phóng và bị thương ngay trận đầu với những mảnh đạn hiện còn nguyên ở trán, gần hốc mắt, trong cằm và cổ. Tháng 8/1973, trong một lần địch phản kích ác liệt, ông xung phong bắn pháo loạt đầu và bị thương gãy đùi. May mắn trong trận ấy, bên ta giành thế chủ động, chiếm lại được căn cứ nên ông được đồng đội đưa về điều trị.
Trong hồi ức của người lính năm xưa vẫn vẹn nguyên hình ảnh về cuộc sống gian khổ nơi rừng già, chiến trận. Đó là món củ nâu hấp - loại củ dùng để nhuộm vải, phải kỳ công luộc và chắt nước nhiều lần mới ăn được; có lần ở trên chốt, phải tập trung cao độ bảo vệ mục tiêu gần 20 ngày không được tắm.
Tình đồng đội giữa thời bình
Là một trong số ít người đã đi qua cuộc chiến, may mắn sống sót trở về quê hương, ông Xuyên luôn đau đáu nỗi nhớ về đồng đội. Cứ đến dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, ông và đồng đội tổ chức đi thăm lại chiến trường xưa. Lần giở lại những tấm huân, huy chương đã bạc màu theo năm tháng, ký ức về mỗi chiến công lại ùa về. Ông Xuyên kể: “Thời đó, những anh lính cùng quê tình cờ gặp nhau giữa chiến trường đã quý, lại làm nhiệm vụ cùng đơn vị còn quý hơn nhiều. Đồng cam cộng khổ giữa bom đạn, mỗi lần phải chôn cất đồng đội hy sinh, chúng tôi đều đau đớn như mất đi một phần thân thể mình”.
Ông Xuyên nhớ nhất người đồng đội Trần Văn Tưởng ở cùng quê Nghĩa Trung, lại ở cùng đơn vị. Đêm ấy, địch pháo kích mạnh, ông Tưởng đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh. Ông Xuyên viết vội vài dòng thông tin vào chiếc lọ nhỏ rồi tham gia chôn cất đồng đội bên dòng suối. Cũng nhờ vậy mà sau này, ông đã chỉ dẫn, giúp người thân của liệt sĩ Tưởng tìm và đưa được hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.
Năm 1975, ông xuất ngũ, trở về địa phương tham gia công tác Đoàn thanh niên rồi làm cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ năm 1983 cho đến khi nghỉ hưu (tháng 7/2012). Những năm tháng vào sinh ra tử, vết thương chiến tranh vẫn hằn sâu trong cơ thể, kéo theo nhiều bệnh tật, nhiều lúc ông Xuyên muốn nghỉ ngơi nhưng nghĩ về những đồng đội đã hy sinh, ông lại cố gắng, tiếp tục cống hiến. Năm 1984, ông tham mưu UBND xã tặng sổ tình nghĩa cho mẹ, vợ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh từ nguồn vận động nhân dân đóng góp, mỗi sổ trị giá 100 nghìn đồng. Rồi đến khi chia ruộng, Nghĩa Trung đã thực hiện chính sách ưu tiên người có công, thân nhân liệt sĩ nhận ruộng gần, ruộng tốt; bố, mẹ liệt sĩ được phân thêm một sào canh tác và thương binh, bệnh binh được cấp thêm 10 thước ruộng. Chủ trương này được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.
Trở về đời thường trong điều kiện hoàn cảnh gia đình gặp vô vàn khó khăn song phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", ông Xuyên quyết tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. “Ngày ấy, sáng tôi dậy từ 3 giờ đi làm đồng với vợ xong 6 giờ lại về thay quần áo đến ủy ban làm việc. Những khi trở trời, vết thương tái phát, tôi vẫn cố gắng vượt qua nỗi đau để bước tiếp”, người cựu chiến binh kể lại.
Trở về sau những năm tháng chiến đấu ác liệt, ông Xuyên luôn dạy các con quý trọng cuộc sống và những giá trị truyền thống. Vợ chồng ông luôn căn dặn các con phải cố gắng học tập, lao động trở thành người có ích cho xã hội. Nói đi đôi với làm, ở mọi việc ông đều nêu gương làm trước bởi theo ông “mình có gương mẫu thì các con mới noi theo”.
Cuộc sống dù còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng người lính ấy vẫn chắt chiu nuôi con thành tài. Hiện các con ông đều có công việc ổn định, là điển hình trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trong cuộc sống thường nhật, người cựu chiến binh năm xưa luôn được bà con hàng xóm tin yêu, kính trọng. Đồng thời ông còn tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng như góp công góp của cải tạo, nâng cấp đường ngõ phố; tích cực xây dựng đời sống no ấm, tiến bộ ở khu dân cư.
Đỗ Quyên - Hoài Thu
Ý kiến bạn đọc (0)