"Niềm tự hào quê hương thôi thúc tôi cố gắng"
TS Đỗ Đức Tôn. |
30 tuổi giành học vị tiến sĩ
Căn nhà của ông Đỗ Văn Ngôn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Việt Yên, ở thôn Phúc Lâm mấy ngày qua rộn ràng tiếng nói cười, tiếng trẻ nô đùa vì có gia đình người con trai út Đỗ Đức Tôn mới ở nước ngoài về chơi. Theo lời ông kể, từ nhỏ Tôn đã thông minh, nhanh trí, ham học hỏi. Đặc biệt, lên lớp 7, Tôn có phương pháp tự học rất hiệu quả, có thể đọc và hiểu cơ bản nội dung trong sách giáo khoa, tài liệu. Cách giải bài tập luôn được thầy cô giáo đánh giá cao bởi không dập khuôn theo mô típ cho sẵn mà vẫn cho đáp án đúng, dựa trên lập luận khoa học.
Những tưởng TS Đỗ Đức Tôn là người ít nói, gương mặt trầm ngâm với cặp kính dày cộp của người làm nghiên cứu khoa học song khi gặp mới thấy, anh trẻ hơn nhiều so với trong ảnh và tuổi thực. Nụ cười thân thiện, cởi mở, anh chia sẻ với chúng tôi những nỗ lực của bản thân để có thành công ngày hôm nay. “Bố tôi là nhà giáo, dạy môn Ngữ văn, mẹ ở nhà xoay xở vừa làm ruộng rồi buôn bán, nội trợ nên từ nhỏ, tôi và các anh chị được thừa hưởng một môi trường giáo dục nền nếp, đức tính cần cù, chăm chỉ, chịu khó từ ông bà”, bên ấm trà xanh, anh bắt đầu câu chuyện bằng giọng từ tốn.
Từ những năm học THCS, Tôn luôn đứng trong tốp đầu học sinh giỏi của Trường Năng khiếu huyện Việt Yên (nay là Trường THCS Thân Nhân Trung). Từng tham gia và đoạt giải cao tại các cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn tiếng Anh và Toán.
Bước vào bậc THPT, anh học tại Trường THPT Việt Yên 1. Tôn xác định mục tiêu thi vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nên nỗ lực học tốt thêm môn Vật lý, Hóa học. Là một trong số ít sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư loại giỏi, anh học tiếp cao học theo diện tuyển thẳng đồng thời được nhận làm giảng viên Trường Đại học Thủy Lợi. Vừa bảo vệ xong luận án thạc sĩ năm 2009, chàng thanh niên trẻ nhanh nhạy “săn” được học bổng, tiếp tục hành trình sang Đại học Dongguk, Seoul (Hàn Quốc) thực hiện ước mơ nghiên cứu ở trình độ tiến sĩ.
Mùa đông đầu tiên ở xứ sở Kim chi là những tháng ngày không thể nào quên. Anh phải rất cố gắng để làm quen với khí hậu nước bạn, rồi lại “đánh vật” với các bài tập và phương pháp học tập, nghiên cứu mới. Khó khăn vô cùng nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực, chỉ sau 6 tháng, anh dần lấy lại tinh thần và bắt nhịp với công việc.
Gia đình TS Đỗ Đức Tôn chụp ảnh cùng bố mẹ ở thôn Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh (Việt Yên). |
Tháng 2-2014, khi tròn 30 tuổi, Đỗ Đức Tôn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài khoa học “Điều khiển trực tiếp mô men dùng phương pháp điều khiển tối ưu phi tuyến cho động cơ đồng bộ kích từ nam châm vĩnh cửu cực ẩn”. Vui hơn nữa, năm ấy anh là cá nhân duy nhất được nhà trường tặng giải thưởng “Nghiên cứu xuất sắc”. Thông minh, tài giỏi nên cơ hội việc làm luôn rộng mở, anh tiếp tục nghiên cứu tại Đại học Dongguk rồi được mời đến Trường Đại học Gyeongsang làm việc.
Từ tháng 9-2015 đến nay, anh công tác tại Trường Đại học Nazarbayev, Kazakhstan với vai trò là giáo sư trợ lý bộ môn Robot học và Cơ điện tử. Ngoài thời gian giảng dạy, công việc chủ yếu của anh là nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ.
Chia sẻ đam mê nghiên cứu khoa học
Nếu hệ THPT có trường chuyên thì nơi anh Tôn đang công tác là trường “chuyên” của hệ đại học. Đây là môi trường giáo dục chất lượng cao của Kazakhstan với hơn 300 giáo sư, giảng viên đến từ 57 quốc gia và vùng lãnh thổ (Việt Nam có 2 người). Trường dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh nên sinh viên muốn học phải đạt trình độ IELTS từ 6.5 trở lên (sử dụng 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh thành thạo như người bản xứ). Trường do Chính phủ Kazakhstan trực tiếp đầu tư kinh phí nên các chế độ đãi ngộ về lương, an sinh xã hội rất tốt.
Điểm lại chặng đường đã qua, TS Đỗ Đức Tôn tự thấy mình có 2 lợi thế, đó là giỏi ngoại ngữ và nắm chắc kiến thức chuyên ngành. "Tuổi thanh xuân không bao giờ quay lại, tôi khuyên các bạn trẻ nên tập trung cao cho việc học và phải học tốt tiếng Anh từ bây giờ; sinh viên không nên quá sa đà đi làm thêm làm ảnh hưởng đến quỹ thời gian học tập", anh Tôn chia sẻ.
Lĩnh vực nghiên cứu của TS Đỗ Đức Tôn gồm: Điều khiển máy điện quay, các nguồn phân tán (DGS), hệ thống cung cấp điện liên tục (UPS), cơ cấu chấp hành dựa trên điện từ trường, kỹ thuật y sinh dung hạt nano. Ngoài công việc ở Trường Đại học Nazarbayev, từ tháng 4 -2017, anh còn tham gia với vai trò là biên tập viên của tạp chí IEEE Access (Tạp chí nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới của Hiệp hội các nhà nghiên cứu điện, điện tử Hoa Kỳ). |
Quá trình nghiên cứu, công tác, TS Đỗ Đức Tôn có 20 bài báo, trong đó 12 bài đăng trên tạp chí IEEE Access - tạp chí chuyên ngành về điện, tự động hóa hàng đầu thế giới của Hiệp hội Các nhà nghiên cứu điện, điện tử Hoa Kỳ. Từ tháng 4-2017 đến nay, anh được mời tham gia biên tập tại tạp chí này. Dù công tác ở nước ngoài song mỗi năm vào kỳ nghỉ phép, anh dành thời gian gặp gỡ, giao lưu truyền cảm hứng học tập, nghiên cứu khoa học với bạn trẻ trong tỉnh và cả nước. Những ngôi trường như: THCS Thân Nhân Trung, THPT Việt Yên số 1 anh thường trở lại hằng năm.
Thầy giáo Tiêu Thanh Tuyết, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Yên số 1 cho biết: “Ngoài tài năng, kiến thức rộng về khoa học, chúng tôi cảm nhận được ở Tôn đức tính cần cù, chịu khó, điềm đạm trong giao tiếp. Những buổi Tôn trở lại trường gặp gỡ, trò chuyện với học sinh có ý nghĩa rất lớn, tạo động lực cho các em vươn lên”.
Ngoài các trường học trong tỉnh, TS Đỗ Đức Tôn thường xuyên trở lại các trường: Đại học Thủy lợi; Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội); Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh); Dongguk, Gyeongsang (Hàn Quốc) để chia sẻ kiến thức, phương pháp làm việc với những đồng nghiệp và sinh viên say mê nghiên cứu khoa học. Được biết, tháng 7 tới, anh được mời tham gia hội thảo khoa học tổ chức tại Trường Đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong nước, quốc tế và học sinh, sinh viên xuất sắc của các trường đại học Việt Nam.
Nói về quan niệm giáo dục hiện nay, TS Tôn cho biết: "Ở nước ngoài, việc học khá nhẹ nhàng, bên cạnh truyền đạt kiến thức nền tảng cơ bản, nhà trường và cha mẹ rất chú trọng tổ chức hoạt động trải nghiệm, vui chơi phát triển thể chất và các kỹ năng sống như: Hướng dẫn kỹ năng phòng vệ, bảo vệ bản thân; biết cách ứng xử trước tình huống xấu có thể xảy ra trong đời sống như: Cháy, động đất, ngã xe, đi lạc đường, tiếp xúc với người lạ mặt... Theo tôi đây là phương pháp giáo dục hiện đại và phù hợp, giúp giảm bớt áp lực cho học sinh. Bậc tiểu học, THCS, học sinh nên học kiến thức cơ bản, còn lên THPT thì cần định hướng và chuyên sâu vào lĩnh vực các em đam mê, có ý định theo đuổi".
Cũng theo anh Tôn, "Khi có cơ hội học tập ở nước ngoài, các bạn cần đặt tinh thần tự tôn dân tộc lên hàng đầu vì điều đó sẽ thôi thúc các bạn vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại về ngôn ngữ, khí hậu, môi trường, phương pháp làm việc, từ đó từng bước đến với thành công”. Bản thân TS Đỗ Đức Tôn từng học tập, công tác ở nước ngoài cảm nhận rõ sự khác biệt về môi trường giáo dục nhưng dù ở đâu, anh cũng luôn tự hào là người Việt Nam và nỗ lực khẳng định bản thân bằng các công trình nghiên cứu, việc làm cụ thể.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)