Người lính và hai cuộc chiến
Ký ức một thời hoa lửa
Giữa khoảnh sân rộng rãi được quét tước gọn gàng, hai bên là hàng cây cảnh xanh tốt, ông Xuyên mời chúng tôi chén trà xanh và bắt đầu câu chuyện về hai lá đơn tình nguyện nhập ngũ. Một lần phải khai tăng tuổi để được tuyển bởi khi ấy chàng thanh niên Thân Trọng Xuyên có dáng người nhỏ thó, cân nặng chỉ khoảng 38 kg.
Cuối năm 1970, khi ở trong quân ngũ gần một năm thì ông được cho về quê để cùng bố mẹ lo tang lễ cho người anh trai vừa hy sinh trong chiến trường miền Nam. Lúc đó, dù được miễn nghĩa vụ do có hai anh trai là liệt sĩ nhưng một lần nữa, chàng thanh niên vừa tròn 18 tuổi lại viết đơn xin được ra chiến trường. Ông nhớ lại: “Ngày khoác ba lô lên đường, u tôi không khóc mà chỉ dặn rằng dù gian khổ, hiểm nguy đến đâu cũng phải noi gương các anh, không được chùn bước, quay đầu”.
Thương binh Thân Trọng Xuyên. |
Tháng 11/1971, ông Xuyên cùng đồng đội hành quân vào chiến trường miền Nam. Sau hơn 5 tháng ngày đi, đêm nghỉ, hầu hết di chuyển trong rừng già, có khi cả ngày không nhìn thấy ánh nắng lọt qua kẽ lá, cả Đại đội 61, Trung đoàn 6 đã đến được Bình Định. Tháng 5/1972, ông tham gia trận chiến đầu tiên với mục tiêu giữ vùng giải phóng, ông kể: “Là lính mới nên tâm lý khi ấy lo sợ lắm. Nghe tiếng súng đạn chát chúa bên tai giữa một khoảng không mù mịt khói và đậm đặc mùi thuốc súng, chẳng biết phương hướng, mọi suy nghĩ trong tôi vào thời khắc ấy chỉ là nhận mệnh lệnh và bóp cò”.
Ông Xuyên bị thương ngay trận đầu với những mảnh đạn hiện còn nguyên ở trán, gần hốc mắt, trong cằm và cổ. Tháng 8/1973, trong một lần địch phản kích ác liệt, ông Xuyên xung phong bắn pháo loạt đầu và bị thương gãy đùi. May mắn trong trận ấy, bên ta giành thế chủ động, chiếm lại được căn cứ nên ông được đồng đội đưa về điều trị.
Cùng với những trận chiến ác liệt của thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trong hồi ức của người lính năm xưa vẫn còn đó cuộc sống gian khổ, thiếu thốn đủ bề nơi rừng già, chiến trận. Đói khát, có những bữa chỉ kiếm được củ nâu làm thức ăn. Đó là loại củ rừng - loại củ chuyên dùng để nhuộm vải, phải kỳ công luộc và chắt nước nhiều lần mới ăn được, chát đến bỏng khé họng; có lần ở trên chốt, phải tập trung cao độ bảo vệ mục tiêu nên gần 20 ngày không được tắm...
Nghĩa tình đồng đội giữa thời bình
Là một trong số ít những người đã đi qua cuộc chiến, may mắn sống sót trở về quê hương, ông Xuyên luôn đau đáu nỗi nhớ về đồng đội của mình. Cứ đến dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, ông và đồng đội tổ chức những chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, cùng ôn lại kỷ niệm thời gian khó.
Lần giở lại những tấm huân, huy chương mà ông được tặng thưởng đã bạc màu theo năm tháng, ký ức về mỗi chiến công lại ùa về. Ông Xuyên kể: “Thời đó, những anh lính cùng quê tình cờ gặp nhau giữa chiến trường đã quý, lại làm nhiệm vụ cùng đơn vị còn quý hơn nhiều. Đồng cam cộng khổ giữa bom đạn, chúng tôi đều gọi nhau hai tiếng đồng đội thiêng liêng. Những lần phải chôn cất đồng đội hy sinh, chúng tôi đau đớn như mất đi phần thân thể”.
Thương binh Thân Trọng Xuyên và con trai út. |
Ông Xuyên nhớ nhất người đồng đội Trần Văn Tưởng, ở cùng quê Nghĩa Trung, lại ở cùng đơn vị. Đêm ấy, trong một lần địch phục kích, sử dụng pháo để tiêu diệt quân ta, ông Tưởng đã chiến đấu kiên cường và hy sinh. Ông Xuyên viết vội vài dòng thông tin vào chiếc lọ nhỏ, cùng những người khác chôn cất đồng đội bên dòng suối. Cũng nhờ vậy mà sau này, ông đã chỉ dẫn địa điểm, giúp người thân của ông Tưởng tìm được hài cốt liệt sĩ trở về với đất mẹ yêu thương.
Năm 1975, ông xuất ngũ, trở về địa phương tham gia công tác Đoàn thanh niên rồi làm cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ năm 1983 cho đến khi nghỉ hưu (tháng 7/2012). Những năm tháng vào sinh ra tử, vết thương vẫn hằn sâu trong cơ thể, kéo theo nhiều bệnh tật, nhiều lúc ông Xuyên cũng muốn nghỉ ngơi nhưng nghĩ về những đồng đội đã hy sinh, ông lại cố gắng, tiếp tục cống hiến.
Năm 1984, ông tham mưu UBND xã tặng sổ tình nghĩa cho mẹ, vợ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh từ nguồn vận động nhân dân đóng góp, giúp những người có công thêm điều kiện ổn định cuộc sống. Rồi đến khi chia ruộng, Nghĩa Trung đã thực hiện chính sách ưu tiên người có công, thân nhân liệt sĩ nhận ruộng gần, ruộng tốt; bố, mẹ liệt sĩ được thêm một sào canh tác và thương binh, bệnh binh thì được cấp thêm 10 thước ruộng. Chủ trương này được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.
Trở về với đời thường trong hoàn cảnh gia đình gặp vô vàn khó khăn song phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", ông Xuyên không quản ngày đêm tăng gia sản xuất, chiến thắng đói nghèo trên chính mảnh đất quê hương. “Ngày ấy, sáng cứ dậy từ 3 giờ đi làm đồng với vợ xong 6 giờ lại về thay quần áo đến ủy ban làm việc. Công việc cứ kéo dài từ sớm đến tận tối muộn mới được nghỉ ngơi. Có những khi trở trời, vết thương tái phát, tôi vẫn cố gắng vượt qua nỗi đau để bước tiếp”, người cựu chiến binh kể lại.
Tác giả trò chuyện với thương binh Thân Trọng Xuyên. |
Nếm trải gian khổ, hy sinh và những nỗi đau do chiến tranh, ông Xuyên luôn dạy các con quý trọng cuộc sống và những giá trị truyền thống. Vợ chồng ông luôn động viên các con phải cố gắng học chữ, trở thành người có ích cho xã hội. Nói đi đôi với làm, ở mọi việc ông đều nêu gương, làm trước bởi theo ông “mình có gương mẫu thì các con mới noi theo”.
Bởi vậy, cuộc sống dù còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng người lính ấy vẫn chắt chiu nuôi con thành tài. Hiện các con của ông đều có công việc ổn định, đều là điển hình trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trong cuộc sống thường nhật, người cựu chiến binh năm xưa luôn được bà con hàng xóm tin yêu, kính trọng. Đồng thời ông còn tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng dân cư như góp công, góp của cải tạo, xây dựng đường ngõ phố.
Câu chuyện về thời lính, thời bình cứ cuốn đi, khiến thời gian trôi qua thật nhanh. Song đọng lại trong chúng tôi là hình ảnh người lính cụ Hồ kiên cường trong kháng chiến. Về thời bình, với ý chí vượt lên mọi thương tật, người thương binh ấy vẫn nỗ lực hết mình để cống hiến cho quê hương.
Đỗ Quyên - Hoài Thu
Ý kiến bạn đọc (0)