Giải phóng sức lao động cho mùa vàng thêm vui
Anh Nguyễn Văn Thụy (cầm máy) hướng dẫn người dân sử dụng máy cắt lúa. |
5 giờ sáng 9-6, tại cánh đồng thôn Xuân Minh tiếng máy cắt lúa nổ giòn, những cánh tay cầm máy đưa đi đưa lại, từng hàng lúa nằm dài gọn gàng, thẳng tắp dần được bó lại để đưa lên bờ. Gặp chúng tôi, trên khuôn mặt anh Thụy vẫn chảy dài những giọt mồ hôi, với nụ cười tươi vui, anh nói: “Mình đang hướng dẫn bà con sử dụng máy gặt tay, máy gọn nhẹ, cơ chế hoạt động đơn giản nên khoảng 10 phút là sử dụng được. Vụ này được mùa bà con vui lắm và với chiếc máy này cũng đỡ vất vả hơn”.
Gần 10 năm trước, nhận thấy việc gặt lúa thủ công của gia đình vất vả nên anh Thụy luôn trăn trở làm thế nào để giải phóng sức lao động. Sẵn có xưởng cơ khí, anh không ngại tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến chiếc máy cắt cỏ thành máy gặt tay hoàn thiện. Thời kỳ đầu dù đã đưa vào sử dụng song anh vẫn không ngừng sáng tạo, cải tiến những chi tiết chưa phù hợp hoặc chưa đạt hiệu quả. Đơn giản nhất như chiếc lồng thu lúa, gọn nhẹ để lúa không bị rối hay va đập, rụng hạt và có thể cắt được sát gốc. Lưỡi cắt được chế tạo bằng thép, dày khoảng 10 mm, rộng 10 cm, dài 35 cm để khớp với lồng thu, bảo đảm máy khỏe. Để tiết kiệm nhiên liệu, anh chế tạo tay ga, chỉ khi vòng đưa máy gặt thì nhấn ga.
Do ruộng ở Hương Mai diện tích nhỏ, thời gian gieo cấy khác nhau nên có ruộng chín trước, ruộng chín sau, máy gặt đập liên hoàn không thể đưa vào sử dụng được. Trong khi với chiếc máy do anh Thụy làm ra thì thu hoạch một sào chỉ mất 10 nghìn đồng tiền xăng (cắt) và công thuê tuốt lúa 50 nghìn đồng, giảm được một nửa tiền công so với máy gặt đập liên hoàn.
Anh Nguyễn Trung Đức, nông dân thôn Xuân Minh cho biết: “Gia đình tôi năm ngoái thuê máy gặt đập liên hoàn nhưng thấy không phù hợp vì giá cao, không tận dụng được phụ phẩm, phải mất 3 triệu đồng để mua rơm nuôi bò. Vụ này tôi quay lại với chiếc máy gặt tay mua của anh Thụy, vừa tiết kiệm, kịp thời vụ lại dễ sử dụng”.
Anh Nguyễn Văn Thụy (bên trái) đang hoàn thiện việc cải tạo chiếc máy gặt. |
Mới 7 giờ song những cánh đồng ở Hương Mai đã vắng người. Đó là nhờ hiệu quả của chiếc máy gặt tay đem lại. Xong việc đồng áng thanh niên lại đi làm công ty, người già ở nhà phơi thóc, phơi rơm. Đến nay anh đã cải tiến hàng trăm chiếc máy cung cấp cho bà con nông dân trong huyện và các vùng lân cận với giá khoảng 2 triệu đồng/máy. Không dừng lại ở đó anh còn cải tiến, chế tạo nhiều loại máy nông nghiệp khác như: Máy cày ải, máy cấy lúa giật tay… Năm 2017, anh Thụy giành giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII.
Hữu Trình
Ý kiến bạn đọc (0)