Ba điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước ở huyện Việt Yên
Cụ thể hóa nội dung, xây dựng mô hình điểm
Trên con đường bê tông trải dài, hai bên là hàng hoa khoe sắc, trò chuyện với ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến được biết, so với 5 năm trước, Việt Tiến hôm nay có sự đổi thay rõ nét.
Từ chỗ còn nhiều điểm nóng về môi trường thì nay 100% thôn trong xã có tổ vệ sinh; xã đã xây dựng bãi, lò đốt rác tập trung, không còn điểm tồn lưu rác thải. Ngày Chủ nhật xanh được đông đảo nhân dân tham gia. Công tác thu ngân sách nhà nước đạt cao, năm 2019 đạt 22,6 tỷ đồng, tăng hơn 14,3% so với năm 2018.
Các phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập” được triển khai rộng khắp. Qua đó xuất hiện nhiều điển hình trong phát triển kinh tế góp phần nâng thu nhập người dân đạt 38,2 triệu đồng/người/năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,03%”.
Mô hình "Gác chắn an ninh" và lắp đặt camera an ninh góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã Việt Tiến. |
Để có được kết quả đó, xã đã cụ thể hóa từng nội dung thi đua để xây dựng mô hình phù hợp; đánh giá rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung sức.
Đơn cử như phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, lực lượng công an thực sự phát huy vai trò nòng cốt, ban lãnh đạo thôn và trưởng các đoàn thể khu dân cư là những thành viên tích cực. Từ đặc điểm trên địa bàn xã có gần 30 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động song cũng kéo theo nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự, nhất là nạn trộm cắp, năm 2018, xã thành lập mô hình “Gác chắn an ninh”, đầu tư kinh phí lắp đặt 17 mắt camera tại các trục đường chính trên địa bàn. Qua mô hình trên, trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã làm rõ 10 vụ trộm cắp tài sản và cố ý gây thương tích. Hiện trên địa bàn xã có 60 hộ tự lắp thiết bị giám sát và sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho lực lượng công an khi cần thiết.
Ghi nhận những thành tích đạt được, nhiều năm liền xã Việt Tiến được UBND tỉnh, UBND huyện khen thưởng. Năm 2019, được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua.
Cán bộ sâu sát nhiệm vụ, quyết tâm xây dựng nông thôn mới
Thực hiện nhiệm vụ được giao, những năm qua, tập thể Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy lợi, đặc biệt là triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Bắt tay thực hiện chương trình XDNTM, huyện đứng trước nhiều khó khăn khi số tiêu chí đạt của các xã ở mức thấp, nhiều tiêu chí liên quan đến hạ tầng giao thông, trường học, nhà văn hóa… cần nguồn kinh phí rất lớn; thu nhập ở khu vực nông thôn đạt thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Với vai trò cơ quan thường trực, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, mốc thời gian hoàn thành cụ thể. Qua trình thực hiện, Phòng tham mưu cho UBND huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội của huyện, UBND các xã, thị trấn. Tham mưu thành lập các tổ phụ trách từng lĩnh vực, địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Phòng phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, đánh giá, phân loại nhóm tiêu chí khó hoàn thành để đề xuất với huyện phương án hỗ trợ đặc thù.
Riêng năm 2018, huyện phân bổ cho các xã triển khai 84 công trình NTM; xây dựng thành công một cánh đồng mẫu thôn Quang Biểu, xã Quang Châu với diện tích 31,5 ha; cứng hóa 13,22 km đường giao thông nông thôn. Toàn huyện đã huy động hơn 3 nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình XDNTM, trong đó nguồn vốn đóng góp từ dân cư hơn 224 tỷ đồng.
Nhiều xã có địa bàn rộng, khó khăn như: Vân Hà, Minh Đức cũng đã sớm về đích. Với những cố gắng đó, năm 2018, huyện Việt Yên được công nhận đạt chuẩn NTM và là đầu tiên của tỉnh, sớm hơn kế hoạch 2 năm.
Xác định XDNTM có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau khi hoàn thành, Phòng tiếp tục tham mưu cho huyện kế hoạch và giải pháp nâng chất lượng các tiêu chí. Hiện nay huyện đã xây dựng được 3 thôn kiểu mẫu là: Nội Ninh (xã Ninh Sơn), Kiểu (thị trấn Bích Động) và Khả Lý Thượng (xã Quảng Minh).
Bà Nguyễn Kim Oanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Việt Yên thăm mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã Hương Mai. |
Đến nay huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, tuyên truyền vận động bà con chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao để tăng hiệu quả kinh tế; ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cây, con giống, kinh phí xây dựng nhà lưới, nhà màng được ban hành kịp thời, tạo động lực thúc đẩy bà con hăng hái thi đua lao động sản xuất.
Điểm lại những kết quả trên, bà Nguyễn Kim Oanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: Khối lượng công việc lớn, địa bàn rộng trong khi chỉ tiêu biên chế có hạn nên để hoàn thành nhiệm vụ, kinh nghiệm của đơn vị là thường xuyên quán triệt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 đồng thời xây dựng kế hoạch theo từng tuần, tháng, quý giúp cán bộ sâu sát với công việc. Nhiều năm liền Phòng Nông nghiệp và PTNT đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, Cờ thi đua, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Đi đầu đổi mới, sáng tạo trong dạy và học
Trường THCS Thân Nhân Trung thành lập ngày 10/8/1991 tiền thân là Trường Năng khiếu Việt Yên. Đến năm 1997, trường mang tên danh nhân Thân Nhân Trung. Những năm qua, nhà trường không ngừng phấn đấu và đạt nhiều thành tích toàn diện trên cả hai lĩnh vực giáo dục đại trà và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Thầy giáo Nguyễn Văn Vỹ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng niềm tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, ngay từ đầu năm học, hiệu trưởng nhà trường đăng ký nhiệm vụ trọng tâm với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Ban Giám hiệu thường xuyên đổi mới công tác quản lý, điều hành, khuyến khích thầy cô giáo sáng tạo trong soạn bài, tổ chức tiết học hiệu quả.
Đến nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường cơ bản đạt trình độ trên chuẩn với gần 91% có trình độ thạc sĩ và đại học; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thiết bị đồ dùng dạy học. Trường có đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết, yêu nghề, khát khao cống hiến cho sự nghiệp giáo dục như các thầy, cô: Nguyễn Minh Long, Nguyễn Thị Minh Thư, Đỗ Thị Thùy Dung, Ngô Thị Bích Hằng, Lê Thị Khánh Vân, Đoàn Thị Quỳnh Xuân, Trần Thị Diệu Hương.
Giáo viên hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm trong giờ học Toán lớp 6, Trường THCS Thân Nhân Trung. |
Hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” do ngành giáo dục phát động, trung bình hàng năm nhà trường có từ 68 - 75 đề tài và sáng kiến kinh nghiệm khoa học được áp dụng trong giảng dạy và quản lý.
Trường luôn coi trọng xây dựng nề nếp, kỷ cương học tập, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, học sinh có ý thức phấn đấu vươn lên, không vi phạm pháp luật, an toàn giao thông và các tệ nạn xã hội khác. Từ các lớp đại trà, thầy cô sớm phát hiện học sinh có tố chất, năng khiếu đưa vào đội tuyển để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.
Năm học 2018-2019, trường có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, điểm bình quân 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đạt 7,8 điểm, cao nhất trong 5 năm gần đây và dẫn đầu các trường THCS của tỉnh. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, nhà trường đoạt 45 giải, gồm 3 giải nhất, 13 giải nhì, 20 giải ba, 9 giải khuyến khích. Nhiều em đoạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia, được tuyển thẳng vào Trường THPT Chuyên Bắc Giang và các trường chuyên của trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhìn lại 5 năm qua, Trường vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hoài Thu - Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)