Tân Yên: Tạo việc làm, giúp hội viên phụ nữ vươn lên
Phụ nữ xã Phúc Hòa tham gia lớp học may công nghiệp do Hội LHPN huyện tổ chức. |
Từ khi được chính quyền địa phương đồng ý cho chuyển đổi toàn bộ diện tích 7 sào ruộng sang trồng vải sớm, chị Nguyễn Thị Giang (SN 1969), thôn Vối, xã Phúc Hòa (Tân Yên) có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn vì chỉ phải tập trung chăm sóc cây ăn quả và thu hoạch sản phẩm từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm. Ngoài thời gian đó, chị đi làm thuê, làm mướn nhưng công việc, thu nhập không ổn định. Mọi chi phí trong gia đình vẫn trông vào gần trăm gốc vải nên chị phải rất tằn tiện.
Biết tin Hội LHPN huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tân Yên mở lớp dạy nghề may công nghiệp miễn phí cho hội viên, chị Giang liền đăng ký học. Lớp có gần 30 học viên đều là phụ nữ, ai cũng ấp ủ những ý tưởng, dự định riêng. Không khí lớp học sôi nổi, các học viên đều chăm chú lắng nghe, thực hành theo hướng dẫn của giảng viên. Mới đây, khóa học kết thúc, chị Giang và gần 60 học viên (hai lớp) đều thạo việc, nhiều người tìm được việc làm. Chị Giang xin được việc làm tại xưởng may tư nhân tại địa phương với mức lương thử việc khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Nhiều phụ nữ xã Quế Nham có việc làm nhờ được học nghề trồng nấm. |
Năm 2017, Hội LHPN huyện cũng tổ chức lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 60 hội viên phụ nữ xã Lan Giới. Nhờ tham gia học nghề tại đây, hơn 50 chị đã có việc làm, thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, trong số đó hầu hết đều nhận việc về may gia công tại nhà. Cách làm này giúp các chị chủ động hơn, vừa có thời gian chăm sóc gia đình, con cái, vừa tranh thủ chăn nuôi hay trồng trọt thêm. Đặc biệt, nhiều chị được hỗ trợ vốn mở được xưởng may thu hút hàng chục lao động địa phương. Cơ sở may gia công của gia đình chị Nguyễn Thị Huyền, thôn Bình Chương có 45 lao động địa phương, trong số đó hơn 70% là hội viên phụ nữ qua đào tạo. Hầu hết các chị đều thạo việc lại siêng năng nên thu nhập đạt từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng (tùy theo năng lực). Đơn cử như chị Trần Thị Quyên (SN 1977) cùng thôn đã làm việc tại cơ sở may của gia đình chị Huyền được gần một năm nay. Nhờ được đào tạo cơ bản, thời gian thử việc của chị rút ngắn từ ba tháng xuống còn một tháng. Nhanh nhẹn lại thạo việc nên mức lương mỗi tháng chị nhận được khoảng 5 triệu đồng. Có thu nhập ổn định, gia đình chị vì thế đã sớm thoát nghèo.
Ngoài nghề may công nghiệp, từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tân Yên mở nhiều lớp đào tạo nghề nông cho hàng trăm phụ nữ trên địa bàn huyện. Mỗi khóa học kéo dài từ 2,5 đến 3 tháng. Kết thúc, các chị nắm chắc kỹ thuật cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi, có khả năng đưa những cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Chị Nguyễn Thị Hà (SN 1967) ở thôn Ba Làng trước đây đã từng trồng nấm nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật, trồng theo kinh nghiệm “truyền miệng” nên hiệu quả không cao. Năm 2017, chị tham gia lớp đào tạo nghề trồng trọt. Sau khi làm chủ kỹ thuật, chị bàn với chồng sửa sang lại nhà xưởng, trồng nấm sò, nấm mỡ… Hiện, mỗi vụ gia đình chị thu khoảng 100 triệu đồng.
Chị Đỗ Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, xác định giúp chị em bằng cách "cho cần câu chứ không cho cá", Hội LHPN huyện quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho hội viên. Trước khi tổ chức lớp, Hội LHPN huyện rà soát kỹ nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, ưu tiên cho nhóm có nhiều thời gian nhàn rỗi hoặc có diện tích chuyển đổi đất nông nghiệp lớn. Đồng thời, định hướng cho chị em chọn nghề để học nhằm tránh lãng phí. Kết thúc lớp học, các cơ sở hội chủ động giới thiệu việc làm cho chị em hoặc tạo điều kiện về giống, vốn mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, sau học nghề khoảng 85% hội viên phụ nữ có việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)