Ngọc Lý đa dạng hình thức hỗ trợ giảm nghèo bền vững
BẮC GIANG - Những năm qua, xã Ngọc Lý (Tân Yên) tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững. Đời sống người dân từng bước cải thiện, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.
Phát triển mô hình kinh tế hộ
Vùng quê Ngọc Lý ngày nay có nhiều đổi thay với những con đường liên thôn rộng rãi, được bê tông hóa sạch đẹp, đi lại thuận tiện. Ông Vũ Ngọc Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã Ngọc Lý có diện tích tự nhiên 9,11 km2, với 2.082 hộ dân sinh sống ở 12 thôn. Với thế mạnh trồng trọt, chăn nuôi, UBND xã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và phát triển ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp”.
Người dân xã Ngọc Lý thu hoạch vụ mùa trên cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao. |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Đảng ủy, UBND xã Ngọc Lý chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ các chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, nhà ở, giáo dục, bảo đảm cho người dân có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Trong sản xuất nông nghiệp, xã Ngọc Lý đã phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật huyện Tân Yên tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung cho hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu như gia đình anh Đỗ Xuân Hoà ở thôn Tân Lập có 2,16 ha chuyên sản xuất giống lúa TBR225 với 2 vụ/năm, năng suất đạt 53 tạ/ha, trừ chi phí cho lãi 32 triệu đồng/vụ. Toàn xã có 222 hộ tham gia sản xuất với các mô hình chất lượng cao như trồng lúa tại các thôn: Sỏi Làng, Tân Lập, Đồng Lim; sản xuất dưa ngọt tại thôn Lý 1, Lý 2.
Các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bán công nghiệp với quy mô trang trại vừa và nhỏ phát triển mạnh. Trên địa bàn xã có 3 trang trại, 7 gia trại chăn nuôi lợn, gà, ngựa. Đơn cử như mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi của gia đình các ông: Nguyễn Ngọc Tú, thôn Cầu Đồng Chín; Giáp Văn Nhân, thôn Lý 1; Cao Thị Hường, thôn Tân Lập; Hoàng Công Văn, thôn Ba Mô. Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở thôn Ba Mô có đời sống ổn định, bứt phá vươn lên nhờ “gột” ngựa thương phẩm. Từ các hộ nuôi ngựa nhỏ lẻ, nhiều gia đình trở thành các tư thương mua ngựa tơ về vỗ lớn trong 3-4 tháng để bán cho các lò mổ. Theo các hộ chăn nuôi, thị trường tiêu thụ ngựa thương phẩm rất ổn định trong nhiều năm trở lại đây. Thời điểm này, gia súc được giá, cho thu nhập khá.
Năm 2023, xã Ngọc Lý có 20 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tham gia dự án nuôi bò sinh sản. Tổng kinh phí thực hiện 330 triệu đồng từ nguồn thuộc dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Năm 2024, trên địa bàn xã tiếp tục hỗ trợ 18 hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án nuôi bò sinh sản. Tham gia dự án này, mỗi gia đình được hỗ trợ 1 con bò cái, sau 18 tháng chỉ phải hoàn trả 5% giá trị con bò lúc ban đầu. Được hỗ trợ sinh kế, nhiều gia đình đã phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi bò để từng bước thoát nghèo.
Hỗ trợ đúng nhu cầu, đối tượng
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hằng năm, xã rà soát, phân loại từng hoàn cảnh, điều kiện của hộ nghèo, hộ cận nghèo để có sự giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp. Ví như hộ nào khó khăn về nhà ở thì giúp đỡ xây, sửa nhà; hộ không có tư liệu sản xuất thì được đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, tư vấn đi lao động ở nước ngoài; đối với hộ có đất sản xuất thì hướng dẫn mô hình, tập huấn kỹ thuật, tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Xã viên Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Huyền Trang chăm sóc dưa trong nhà lưới. |
Xã Ngọc Lý có hơn 4,3 nghìn người trong độ tuổi lao động. Hằng năm, xã rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp, gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp trong, ngoài địa bàn, khai thác thế mạnh kinh tế địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 18 doanh nghiệp, hợp tác xã và 248 hộ kinh doanh cá thể hoạt động ở một số lĩnh vực như: Xay xát, may đo, sản xuất bánh phở, gia công cơ khí, chế biến gỗ. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương như: Cơ sở nghiền, phân loại nhựa Hải Phong; Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Huyền Trang.
Từ đẩy mạnh các chương trình mục tiêu giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm ở xã Ngọc Lý giảm dưới mức bình quân của huyện. Năm 2021, hộ nghèo trên địa bàn xã là 5,13%, đến nay giảm còn 1,87% và phấn đấu đến hết năm 2024 giảm xuống dưới 1,43%. |
Không chỉ giới thiệu, kết nối việc làm cho lao động ngay tại địa phương, hằng năm, Đảng ủy, UBND xã Ngọc Lý giao các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, giới thiệu hội viên, đoàn viên đến làm việc ở các doanh nghiệp, nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế hoặc đi lao động ở nước ngoài. Hiện nay, toàn xã có gần một nghìn người làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện.
Hiện xã Ngọc Lý đang triển khai kế hoạch rà soát hộ nghèo năm 2024 bảo đảm khách quan, đúng đối tượng. Trên cơ sở đó sẽ phân loại và tìm nguyên nhân chưa thể thoát nghèo của từng hộ để có giải pháp cụ thể hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, kiến thức. Trong đó chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ nghèo được tiếp cận và thụ hưởng các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình khác; khuyến khích đầu tư phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm giải quyết việc làm cho người dân, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất ở từng thôn bảo đảm đúng nhu cầu, đối tượng.
Ý kiến bạn đọc (0)