Ngọc Châu phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn
Nghề làm mỳ gạo được đưa về thôn Châu Sơn, xã Ngọc Châu hơn 30 năm nay, hiện vẫn duy trì hiệu quả. Theo các hộ ở làng nghề, làm mỳ trải qua nhiều công đoạn. Trước hết bà con chọn loại gạo trắng, mẩy, đều hạt ngâm từ 2-3 giờ trong nước sạch, xay thành bột nước, lọc, ép khô và đưa vào máy tạo sợi. Cuối cùng cắt mỳ theo kích cỡ, xả trong nước cho sợi mỳ tách rời rồi phơi khô và đóng gói thành phẩm.
Mỳ Châu Sơn được người tiêu dùng ưa thích bởi dẻo, dai, được chế biến từ gạo ngon, không sử dụng hóa chất bảo quản, tẩy trắng. Ngoài loại mỳ truyền thống, người dân trong làng nghề còn làm loại sợi phở, sợi bún đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Người làm nghề kiểm tra sản phẩm trước khi phơi. |
Để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, tổ chức các lớp đào tạo nghề. Nhờ đó, người dân Châu Sơn tập trung mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện mỳ gạo Châu Sơn đã được công nhận sản phẩm OCOP.
Ông Phạm Văn Lượng, Chủ tịch Hội Sản xuất mỳ gạo Châu Sơn cho biết: Thời điểm này, cả làng có hơn 50 hộ làm nghề. Tại đây đã hình thành 2 hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ mỳ thu hút hơn 200 lao động tham gia; thu nhập bình quân 10-12 triệu/người/tháng. Hiện các hộ đều mua sắm máy móc để thực hiện công đoạn từ xay, ép bột, tạo sợi và sấy góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bình quân mỗi ngày làng nghề sản xuất gần 10 tấn mỳ. Gia đình anh Nguyễn Văn Trình trước đây chỉ làm mấy sào ruộng nên gặp nhiều khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Sau khi học nghề làm mỳ, gia đình anh đầu tư máy móc từng bước mở rộng sản xuất nên đã nâng cao thu nhập, thoát nghèo nhiều năm nay.
Người làng nghề phơi mỳ. |
Xã Ngọc Châu có hơn 1,9 nghìn hộ dân với hơn 8,2 nghìn nhân khẩu. Những năm gần đây, cùng với chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, cấp ủy, chính quyền xã quan tâm đào tạo nghề, phát triển làng nghề và các loại hình hợp tác xã. Qua đó đã khai thác thế mạnh về nguồn lao động của địa phương. Toàn xã có hơn 3,1 nghìn lao động đang làm việc trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương.
Ngoài làng nghề Châu Sơn, tại xã Ngọc Châu còn có Hợp tác xã Mây nhựa đan cao cấp Tám Vụ, Công Ty TNHH Cơ khí Hùng Thảo và hàng chục cơ sở sản xuất, nhà máy hoạt động ở các lĩnh vực may mặc, cơ khí, chế biến nông sản, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Công ty TNHH Cơ khí Hùng Thảo, tiền thân là hộ sản xuất cá thể, những năm gần đây đã mở rộng quy mô sản xuất xe rùa cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm cho 30 lao động chính thức và khoảng 70 lao động mùa vụ.
Kinh tế của xã Ngọc Châu ngày càng phát triển, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân được cải thiện. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm, hiện còn 2,89%, thấp hơn mặt bằng chung của huyện. Theo ông Ngô Tân Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Châu, việc phát triển làng nghề, CN - TTCN góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định, lâu dài, nâng cao đời sống người lao động, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư tại địa bàn, mở rộng quy mô hoạt động của làng nghề; phối hợp với các tổ chức, đơn vị hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Riêng với nghề làm mỳ gạo Châu Sơn, UBND xã động viên, khuyến khích người sản xuất tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bài, ảnh: Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc (0)